Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới, xây dựng một hệ thống dịch vụ logistics hiệu quả chính là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh tại Việt Nam.
Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới, xây dựng một hệ thống dịch vụ logistics hiệu quả chính là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh tại Việt Nam.
Vừa qua, tại Nha Trang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế tổ chức Hội thảo với chủ đề “Việt Nam: Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị và năng lực cạnh tranh”.
VCCI ước tính, khoảng 50% doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại và liên tục tăng về số lượng hàng năm. Khi hàng rào bảo hộ về thuế quan dần được dỡ bỏ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các DN trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của nước ngoài và những đòi hỏi cao hơn về gia tăng giá trị trong ngành hàng xuất khẩu.
Đại diện doanh nghiệp kiến nghị cần được tạo điều kiện thuận lợi thông quan hàng hóa. |
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, DN Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về vay vốn ngân hàng, nguồn nhân lực, trình độ hiểu biết của DN, năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập, trở ngại về thủ tục... Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới đánh giá, từ sau đổi mới đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu như: Tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tăng độ mở thương mại; kim ngach thương mại tính theo đầu người tăng; cải thiện cơ cấu xuất khẩu: giảm nguyên liệu thô, tăng hàng công nghiệp chế biến; mở rộng thị phần toàn cầu; cải thiện năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Gia tăng thâm hụt thương mại (DN trong nước), mặc dù gần đây có cải thiện; quá trình đa dạng hóa diễn ra chậm hơn dự kiến; giá trị gia tăng nội địa thấp; hàm lượng công nghệ thấp. Ông Đức cũng phân tích, đánh giá những hạn chế về hạ tầng giao thông, các quy định, thủ tục về xuất khẩu, nhập khẩu và các chuỗi cung ứng.
Thống nhất với nhận định của chuyên gia Ngân hàng Thế giới, bà Huỳnh Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn doanh nghiệp Kbiz, bổ sung, hiện nay ngành Hải quan đã triển khai hải quan điện tử. Tuy nhiên, để thông quan nhanh, DN cần sự hỗ trợ của cán bộ Hải quan, bởi cán bộ Hải quan tích cực tư vấn, hỗ trợ sẽ thông quan nhanh và ngược lại. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, bà Hằng đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương quan tâm đến giá trị gia tăng. Người nông dân cần được hướng dẫn sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, được hỗ trợ thông tin để phòng tránh rủi ro.
Ông Vương Vĩnh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh phản ánh, DN xuất khẩu thức ăn chăn nuôi vào Indonesia phải mất 1.000 USD chi phí kiểm định cho mỗi lô hàng theo tiêu chuẩn SPS (Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật), trong khi nhập khẩu vào Việt Nam không quy định tương tự. Ông Hiệp đề nghị không nên quy định cố định điểm nhận hàng hóa cửa khẩu như hiện nay. Ví dụ, hàng hóa của Công ty nếu được nhận ở Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sẽ thuận lợi, giảm chi phí. Đồng tình với ông Hiệp, ông Phạm Minh Đức cho rằng, cần quy định chuẩn hóa các loại hàng hóa liên quan đến hải quan để việc kiểm hóa, thông quan có thể thực hiện ở bất cứ điểm cửa khẩu nào. Ông Đức cũng chia sẻ, SPS và TBT (Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại) thực sự là gánh nặng với DN liên quan đến lĩnh vực này.
Gợi ý về chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam cần phát triển hạ tầng và dịch vụ giao thông, trong đó, xác định được hành lang vận chuyển cốt yếu, trọng điểm để ưu tiên đầu tư; cải thiện thủ tục quy định về xuất khẩu, nhập khẩu; tái cơ cấu chuỗi cung ứng công nghiệp chế biến và nông sản. Chìa khóa tăng trưởng tương lai của Việt Nam là tăng cường khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Và xây dựng một hệ thống dịch vụ logistics (được hiểu là cung cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cung cấp dịch vụ và môi trường thể chế, pháp lý) hiệu quả chính là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh tại Việt Nam. Từ đó, các chuyên gia đưa ra 5 sáng kiến nhằm cải thiện khả năng dự đoán được trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Đó là, hiện đại hóa hệ thống hải quan; đảm bảo các quy định và hoạt động của Chính phủ liên quan tới thương mại quốc tế phải minh bạch, được diễn giải, áp dụng và thực thi nhất quán; xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đa mô hình, sử dụng phương pháp tiếp cận hành lang tích hợp; thúc đẩy ngành vận tải đường bộ chuyên nghiệp hơn; thúc đẩy cơ hội mở rộng kinh doanh tại cảng Cái Mép - Thị Vải.
N.D