Tổng cục thống kê vừa công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2013 cả nước tăng 0,49% so với tháng 9/2013. So với cuối năm ngoái, chỉ số tăng 5,14% và tăng 5,92% so với cùng kỳ 2012.
Tổng cục thống kê vừa công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2013 cả nước tăng 0,49% so với tháng 9/2013. So với cuối năm ngoái, chỉ số tăng 5,14% và tăng 5,92% so với cùng kỳ 2012.
Có thể thấy, CPI tháng 10 đã có 9 trên 11 nhóm hàng hóa tăng so với tháng trước; hai nhóm là giao thông và bưu chính viễn thông giảm. Mức tăng hầu hết không quá 1%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng mạnh nhất ở mức 0,86% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,91%, thực phẩm tăng 1,04% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,25%. Mức tăng này chịu ảnh hưởng từ thời tiết bão,lũ tại các tỉnh miền Trung. Trong tháng này, giá cả thực phẩm cả nước đã có lúc tăng vọt, nhất là mặt hàng rau xanh...
Đứng thứ hai thuộc về nhóm giáo dục với mức tăng 0,53% so với tháng trước. Tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5%.
Ở nhóm có mức giảm so với tháng trước, có nhóm bưu chính viễn thông, giảm 0,03%; nhóm giao thông cũng giảm 0,17% so với tháng trước. Các mặt hàng còn lại khác biến động nhẹ không quá 0,35% so tháng trước.
Hai chỉ số không thuộc rổ tính CPI là chỉ số giá vàng và USD cũng được công bố, với mức giảm lần lượt là 2,87% và 0,18% trong tháng 10. So với cuối năm ngoái, giá vàng giảm gần 21% và giá USD tăng 1,14%.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, lĩnh vực giáo dục vẫn tiếp tục tác động tới CPI tháng 10, song không đáng kể. Ngoài ra, theo chu kỳ của nền kinh tế, 3 tháng cuối năm, mặt bằng giá thường có xu hướng tăng chứ không giảm. Do đó, vẫn cần thận trọng với mức tăng CPI các tháng cuối năm.
Theo Vụ Dự báo, Thống kê tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, kết quả cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát tháng 10 của các TCTD cho thấy, CPI tháng 10 được kỳ vọng tăng khoảng 0,76%, thấp hơn so với mức tăng 1,06% của tháng 9 và 0,85% của cùng kỳ 2012. Tốc độ tăng CPI cả năm 2013 cũng được dự kiến ở quanh mức 7%.
Theo Vnmedia