Trong điều kiện nhiều dự án đang cần triển khai mà thiếu vốn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa trình Chính phủ kế hoạch phát hành thêm 285.000 tỷ đồng trái phiếu giai đoạn 2014-2016.
Trong điều kiện nhiều dự án đang cần triển khai mà thiếu vốn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa trình Chính phủ kế hoạch phát hành thêm 285.000 tỷ đồng trái phiếu giai đoạn 2014-2016.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội thông qua là 225.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2013 đã giao kế hoạch 150.000 tỷ đồng, chỉ còn lại 75.000 tỷ đồng cho hai năm 2014-2015. Trong khi đó, hiện nay nhiều bộ, ngành và địa phương lại đề xuất bổ sung thêm vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các dự án đang thực hiện dở dang mà thiếu vốn, các dự án khởi công mới và làm vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA, PPP.
Tổng hợp sơ bộ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tổng nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2014-2016 cho các nhóm dự án trên là khoảng 500.000 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay.
Phát hành thêm trái phiếu Chính phủ có thể làm tăng bội chi ngân sách. |
Tuy nhiên, căn cứ vào dự báo tăng trưởng kinh tế, nhu cầu đầu tư, khả năng vay trả nợ của Chính phủ và trần nợ công trong 3 năm tới, cơ quan này cho rằng chỉ nên phát hành khoảng 360.000 tỷ đồng. Trừ đi số vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014-2015 đã được Quốc hội thông qua là 75.000 tỷ đồng, dự kiến số vốn trái phiếu Chính phủ tăng thêm là 285.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ của các bộ, ngành và đại phương.
Trong tờ trình, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự kiến sẽ bố trí 142.000 tỷ đồng cho các dự án bổ sung mới vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015; 160.000 tỷ đồng cho các dự án đã duyệt nhưng còn thiếu vốn; 54.000 tỷ đồng làm vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và PPP.
Với việc phát hành thêm trái phiếu, Chính phủ cũng đang có kế hoạch đề xuất lên Quốc hội cho nới trần bội chi ngân sách từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho biết nhiều công trình trước đây phải giãn, hoãn nay khởi động lại thì bị thiếu vốn, do vậy Chính phủ buộc phải đề nghị tăng bội chi và dành toàn bộ phần vốn này để đầu tư phát triển.
Theo VnExpress