Hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số đánh giá về khả năng tài chính cũng như khả năng hoàn trả đúng hạn tiền gốc và lãi các khoản nợ của một quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định 61/2013 về việc cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Theo đó, hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số đánh giá về khả năng tài chính cũng như khả năng hoàn trả đúng hạn tiền gốc và lãi các khoản nợ của một quốc gia. Hệ số tín nhiệm quốc gia càng thấp thì mức độ rủi ro về khả năng không thanh toán được các khoản nợ càng cao. Mục đích cung cấp thông tin, số liệu nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và xây dựng báo cáo tổng quan về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam phục vụ công tác xếp hạng tín nhiệm của quốc gia.
6 loại thông tin cần thiết
Theo Quyết định, có 6 loại thông tin cần thiết cho công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia gồm: 1) Thông tin chung về kinh tế-xã hội; 2) Thông tin về tài khóa; 3) Thông tin về tiền tệ, ngân hàng; 4) Thông tin về kinh tế đối ngoại; 5) Thông tin về chính trị; 6) Các thông tin kinh tế-xã hội khác trên cơ sở đề xuất của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng cung cấp của các cơ quan, tổ chức có liên quan của Việt Nam.
Ảnh minh họa. |
Trong đó, thông tin chung về kinh tế-xã hội gồm: Chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn, kế hoạch và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội hằng năm; số liệu thống kê tình hình thực hiện và dự báo về kinh tế-xã hội: Tăng trưởng kinh tế, thu nhập quốc dân, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ tiết kiệm, tỷ lệ đầu tư, chỉ số lạm phát, dân số, việc làm, tỷ lệ thất nghiệp và các thông tin liên quan khác.
Còn thông tin về tài khóa gồm: Chính sách tài khóa và các kế hoạch tài chính-ngân sách trung hạn; số liệu về thu, chi và cân đối ngân sách Nhà nước; cải cách doanh nghiệp Nhà nước; tình hình nợ của Chính phủ; nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia; thông tin khác có liên quan.
Thông tin về tiền tệ-ngân hàng là các thông tin về chính sách tiền tệ và các công cụ của chính sách tiền tệ (tỷ giá, lãi suất, dự trữ bắt buộc, thị trường mở); thông tin về hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và cải cách hệ thống Ngân hàng; tình hình và số liệu về cán cân thanh toán; dự trữ ngoại hối; tín dụng ngân hàng; nợ xấu, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu...
Cung cấp thông tin định kỳ
Theo quyết định 61/2013 này, thông tin, số liệu được các cơ quan liên quan cung cấp định kỳ (tháng, quý, năm) cho Bộ Tài chính. Trong trường hợp đến thời hạn cung cấp chưa có số liệu chính thức, các cơ quan cung cấp cho Bộ Tài chính số liệu ước tính cập nhật nhất. Thời hạn cung cấp thông tin định kỳ hằng tháng là ngày 15 của tháng tiếp theo. Thời hạn cung cấp thông tin định kỳ hằng quý là ngày 30 tháng đầu tiên của quý tiếp theo. Ngày 28/2 năm kế tiếp là thời hạn cung cấp thông tin định kỳ hằng năm. Đối với số liệu về kế hoạch, dự báo cho năm tiếp theo được cung cấp định kỳ hằng năm, thời hạn cung cấp thông tin là ngày 15 tháng 12 của năm thực hiện.
Bên cạnh việc cung cấp thông tin, Quyết định cũng quy định việc phối hợp thực hiện công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Theo đó, công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia là một quá trình thường xuyên nhằm trao đổi thông tin cập nhật với các nhà đầu tư, từng bước nâng cao uy tín của quốc gia trên trường quốc tế và đáp ứng tốt hơn yêu cầu về hội nhập kinh tế trong giai đoạn mới.
Quyết định 61/2013 quy định: Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì tổ chức các buổi làm việc, thảo luận với tổ chức xếp hạng tín nhiệm theo định kỳ (hằng năm) và đột xuất (trường hợp có những thay đổi đáng kể về tình hình kinh tế-xã hội).
Theo VOV online