Việc xử lý nợ xấu hiện là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Để xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn của ngân hàng, kích thích tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan Thi hành án trong việc xử lý tài sản đảm bảo.
Việc xử lý nợ xấu hiện là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Để xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn của ngân hàng, kích thích tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan Thi hành án trong việc xử lý tài sản đảm bảo.
Bối rối... xử lý tài sản thế chấp
Hiện nay, nợ xấu toàn tỉnh hơn 670 tỷ đồng, chiếm 2,95% tổng dư nợ, tăng 0,66% so với cuối năm 2012. Tuy thấp hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu trung bình (4,46%) của toàn ngành Ngân hàng, nhưng việc xử lý nợ xấu vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các giải pháp như: Mua bán nợ xấu, trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp..., biện pháp khởi kiện ra Tòa án và thu hồi nợ qua cơ quan Thi hành án là một trong những giải pháp hữu hiệu đối với các khoản nợ mà khách hàng đã mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, khi yêu cầu thi hành án đối với những tài sản đảm bảo, ngân hàng cũng gặp những tình huống dở khóc, dở cười.
Theo phản ánh của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Nam Á Chi nhánh Nha Trang, có khách hàng thế chấp tài sản là khách sạn được thiết kế xây dựng 6 tầng, nhưng thực tế khách sạn này xây đến 9 tầng. Việc phát sinh thêm 3 tầng khiến công tác kê biên tài sản thi hành án gặp khó khăn bởi phải chờ quyết định của UBND TP. Nha Trang. Nếu UBND TP. Nha Trang chấp nhận hợp thức hóa 3 tầng còn lại, cơ quan Thi hành án mới kê biên được 9 tầng; nếu không được chấp thuận, phải đề nghị cưỡng chế 3 tầng này để thực hiện kê biên 6 tầng. Vì vậy, không biết bao giờ mới kê biên được tài sản này.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank) Chi nhánh Nha Trang cũng đưa ra một đề bài khó cho cơ quan Thi hành án. Ngân hàng này nhận thế chấp khoản vay của công ty X. một lô đất gắn với nhà 2 tầng. Thực tế, công ty đã xây khách sạn 7 tầng trên 4 lô đất, trong đó, ngoài lô đất thế chấp tại ngân hàng này, 3 lô đất còn lại thế chấp cho ngân hàng khác nhưng ngân hàng đó lại chưa yêu cầu thi hành án. Phía SeAbank bối rối khi tài sản nhận thế chấp của mình nằm trong cả khối tài sản chung không thể tách rời... Có khách hàng thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 200m2 cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Chi nhánh Nha Trang. Thế nhưng, diện tích đất này là một phần của khu đất đã bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì cấp sai quy định. Trường hợp này, “sổ con” nằm trong “sổ lớn”, mà “sổ lớn” đã bị thu hồi thì không biết giải quyết như thế nào?...
Tài sản thế chấp của một doanh nghiệp đã nhiều lần hạ giá vẫn chưa bán được. |
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Khánh Hòa, khi cho vay, ngân hàng căn cứ vào quyền tài sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Có trường hợp khách hàng thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 1.000m2, nhưng thực tế lại “dôi” ra đến 800m2 (thành 1.800 m2) nên việc kê biên tài sản thi hành án bị vướng. Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh Khánh Hòa phản ánh: Khi kê biên tài sản thế chấp là nhà ở, đương sự tiếp tục sử dụng nên đã gây khó khăn cho ngân hàng. Khi chúng tôi tìm được khách hàng đồng ý mua nhà thì con nợ không cho vào nhà, nói năng khiếm nhã khiến khách hàng “chạy mất dép”. Sau đó, tuy phía ngân hàng đã hạ giá nhưng vẫn không thể tìm được người mua, vì họ đều ngại rắc rối.
Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long Chi nhánh Khánh Hòa phản ánh trường hợp đã có bản án gần 1 năm vẫn không thi hành án được, do người có tài sản rất hung hăng, không hợp tác; lực lượng thi hành án đi cưỡng chế còn bị đương sự xách dao đuổi chém. Có ngân hàng nhận thế chấp 3 chiếc xe kéo nhưng không xác định được “tài sản đảm bảo di động” đang lưu thông ở đâu, nên phải nhờ đến cơ quan Thi hành án có văn bản yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông tạm giữ xe để chấp hành việc kê biên...
Phối hợp thu hồi nợ xấu
Để xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn của ngân hàng, kích thích tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan Thi hành án trong việc xử lý tài sản đảm bảo. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa và Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai phối hợp công tác giữa 2 ngành, tạo cầu nối tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu.
Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, trung bình mỗi năm, cơ quan này tổ chức cưỡng chế, đấu giá tài sản theo quyết định của Tòa án đạt khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 500 tỷ đồng liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn còn 264 hồ sơ đã có bản án nhưng chưa thể thi hành án với tổng trị giá hơn 500 tỷ đồng.
Lượng án trong lĩnh vực ngân hàng chuyển cho cơ quan Thi hành án ngày càng nhiều, áp lực đối với chấp hành viên ngày càng lớn. Trong đó, việc thi hành án đối với tài sản là bất động sản gặp nhiều vướng mắc, thời gian kéo dài. Ông Nguyễn Hữu Anh - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết: “Vướng mắc lớn nhất hiện nay là thị trường bất động sản đóng băng, tài sản đấu giá không có người mua. Có những vụ án, chúng tôi đã hạ giá đến 20 lần vẫn chưa bán được tài sản”.
Bên cạnh đó, thủ tục thẩm định giá cũng là một trong những nguyên nhân kéo dài thời gian xử lý tài sản để thu hồi nợ. “Nhiều đương sự đã lợi dụng kẽ hở của quy định này để đòi thẩm định giá nhiều lần, mất nhiều thời gian. Chính vì thế, chúng tôi đã kiến nghị nên quy định đương sự chỉ được yêu cầu thẩm định giá 2-3 lần” - ông Nguyễn Hữu Anh cho biết. Ông cũng lưu ý, khi nhận thế chấp, các ngân hàng cần nắm rõ về tài sản đảm bảo. Thực tế, khi cần xác minh, có ngân hàng không biết tài sản ở đâu, gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án. Việc đương sự không hợp tác, chống đối người thi hành, tẩu tán tài sản thế chấp cũng ảnh hưởng đến công tác thi hành án.
Đẩy nhanh việc thi hành bản án dân sự về xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ xấu cho các ngân hàng thương mại cần có vai trò của Ngân hàng Nhà nước. Theo ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa: “Ngân hàng Nhà nước sẽ đóng vai trò trung gian giữa ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh với cơ quan thi hành án, đảm bảo cho sự phối kết hợp này được hiệu lực, hiệu quả nhanh nhất, xử lý được khối tài sản thế chấp, thu hồi nợ xấu cho các ngân hàng thương mại”. Với những vướng mắc mang tính chủ quan, cả 2 phía Ngân hàng và cơ quan Thi hành án đều cam kết sẽ đẩy mạnh phối hợp trong công tác xác minh, kê biên và thẩm định giá; tăng cường trao đổi giữa chấp hành viên với đại diện các ngân hàng để nắm rõ tiến độ của từng vụ việc, kịp thời tháo gỡ các vấn đề phát sinh.
KHÁNH NINH