Lãi suất đến 13%/năm hiện chiếm khoảng 74,97%. Ngoài ra, lãi suất của các khoản vay cũ cũng được các tổ chức tín dụng tích cực giảm.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm đến nay, việc điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là lạm phát để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đến nay, trần lãi suất huy động VND chỉ còn ở mức 7%/năm và chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 9%/năm. Mặt bằng lãi suất VND trong 8 tháng năm 2013 đã giảm khoảng 2-5%/năm so với đầu năm, trong đó lãi suất huy động giảm 2-3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Lãi suất của các khoản vay cũ cũng được các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực giảm.
Đến cuối tháng 8/2013, tỷ trọng các khoản vay có lãi suất đến 13%/năm chiếm khoảng 74,97%, tăng 41,6% so với cuối năm 2012; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất từ 13-15%/năm chiếm khoảng 16,77%, giảm 29,3% so với cuối năm 2012; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 8,26%, giảm so với tỷ trọng 20,6% cuối năm 2012.
NHNN cho biết, để điều hành lãi suất ở mức hợp lý, cơ quan này tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của NHNN về lãi suất của các TCTD, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm nhằm thiết lập kỷ cương trên thị trường. Đề nghị các TCTD thực hiện nghiêm túc quy định lãi suất tiền gửi tối đa, tiết kiệm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay mới ở mức hợp lý, xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trên cơ sở khả năng tài chính để chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và hộ dân. Ngoài ra, cũng theo NHNN, tổng phương tiện thanh toán 8 tháng được kiểm soát ở mức thấp hơn so với các năm trước, nhưng vẫn phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát 8 tháng năm 2013 ở mức 3,53% và dự kiến sẽ kiểm soát được lạm phát cả năm 2013 ở mức khoảng 7%.
Điều hành lãi suất đã có bước chuyển biến căn bản theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát; Có sự kết hợp với biện pháp hành chính phù hợp với điều kiện thị trường biến động (quy định trần lãi suất huy động và cho vay) và điều chỉnh giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tình hình thanh khoản của các TCTD, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích giữa người vay, người gửi tiền và ngân hàng.
VOV online