Quy định này tại Thông tư 21/2013 quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Ngày 9-9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 21/2013/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM).
Thông tư nêu rõ, theo các quy định tại Thông tư này và phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Thống đốc NHNN có thẩm quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận việc NHTM thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài.
Theo các quy định tại Thông tư này và phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Thống đốc NHNN ủy quyền Giám đốc NHNN chi nhánh chấp thuận hoặc không chấp thuận việc NHTM thay đổi tên, thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch trên địa bàn; Chấm dứt hoạt động phòng giao dịch trên địa bàn (trong trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động); Thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch trên địa bàn; Đủ điều kiện khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch của NHTM trên địa bàn.
Trong một số trường hợp cụ thể, nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao và điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Thống đốc NHNN xem xét đề nghị thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, phòng giao dịch ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài của NHTM trên cơ sở đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định tại Thông tư này và phù hợp với điều kiện thực tế.
Về nguyên tắc lập hồ sơ, NHTM lập hồ sơ bằng tiếng Việt. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo quy định của pháp luật. Các văn bản của NHTM gửi NHNN, NHNN chi nhánh theo quy định tại Thông tư này phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật của NHTM ủy quyền ký. Người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người khác phải bằng văn bản ủy quyền được lập phù hợp với quy định của pháp luật.
Đặc biệt, để được thành lập chi nhánh ở trong nước các ngân hàng thương mại phải đáp ứng một số điều kiện như: Thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên; hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính được kiểm toán… Đặc biệt, ngân hàng phải thực hiện đầy đủ quy định về phân loại, nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định và tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ không được vượt quá 3%.
Cũng theo thông tư này, các ngân hàng thương mại được thành lập tối đa 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành TP. Hà Nội hoặc nội thành TP. Hồ Chí Minh. Ngân hàng có hoạt động dưới 12 tháng chỉ được phép thành lập không quá ba chi nhánh và các chi nhánh này không được thành lập cùng trên một địa bàn tỉnh, thành phố. Đối với các ngân hàng hoạt động từ 12 tháng trở lên được thành lập không quá 5 chi nhánh trong 1 năm tài chính.
Đối với các phòng giao dịch, chỉ được thành lập khi các chi nhánh quản lý có tỷ lệ nợ xấu không quá 3% tổng dư nợ. Các phòng giao dịch không được cấp tín dụng vượt quá 2 tỉ đồng/khách hàng, trừ trường hợp khoản cấp tín dụng được bảo đảm bằng toàn bộ tiền, thẻ thiết kiệm, giấy tờ có giá cho chính ngân hàng đó phát hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23-10-2013.
Theo VOV online