11:08, 08/08/2013

Tăng vốn huy động dân cư, mở rộng cho vay tiêu dùng

Đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh giảm, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 1,2%/năm đối với kỳ hạn dưới 1 tháng, 5 - 7%/năm kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng.

. Lãi suất huy động giảm sâu, tiền gửi từ dân cư vẫn tăng


Đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh giảm, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 1,2%/năm đối với kỳ hạn dưới 1 tháng, 5 - 7%/năm kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng. Lãi suất huy động có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên ở mức hợp lý và theo quy luật kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao: kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng: 7 - 8,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên: 7,5 - 10%/năm. Lãi suất huy động USD phổ biến ở mức 1,25%/năm cho kỳ hạn 1 - 12 tháng.


Tuy lãi suất huy động đã giảm sâu nhưng thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa cho thấy, tiền gửi từ dân cư vẫn ổn định và tăng trưởng. Các chi nhánh tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn nhằm khai thác tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để đảm bảo nguồn vốn cho vay và đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng. Đến ngày 15-3, nguồn vốn huy động đạt 31.344 tỷ đồng, trong đó, nguồn huy động từ dân cư (tiết kiệm và phát hành giấy tờ có giá) đạt 24.868 tỷ đồng, tăng 7,18% so với đầu năm. Đến cuối tháng 7, tổng vốn huy động đạt 32.506 tỷ đồng, tăng 4,33% so với đầu năm. Trong đó, tiết kiệm dân cư và phát hành giấy tờ có giá đạt 25.189 tỷ đồng, tăng 8,56% so với đầu năm.

 

Khách hàng giao dịch tại MHB Chi nhánh Khánh Hòa.
Khách hàng giao dịch tại MHB Chi nhánh Khánh Hòa.


Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, nguồn vốn huy động vẫn giữ được ổn định. Tính đến cuối tháng 7, chi nhánh đã huy động 6.422 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi dân cư 4.817 tỷ đồng, chiếm khoảng 75% tổng nguồn vốn huy động, tăng 7,75% so với đầu năm. So với tiền gửi của doanh nghiệp, tiền gửi dân cư ổn định hơn. Vì thế, ngân hàng tích cực triển khai nhiều biện pháp huy động vốn từ dân cư; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ; hệ thống Agribank có các đợt huy động vốn có dự thưởng để thu hút người dân gửi tiền. Khi chưa tìm ra kênh đầu tư tốt thì gửi tiền ngân hàng vẫn là sự lựa chọn an toàn của người dân.


Ông Bùi Hòa Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BIDV Khánh Hòa cũng cho rằng: “Người dân không có nhu cầu đầu tư hoặc không thể đầu tư vào lĩnh vực nào khác. Dù ngày càng ít song gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh sinh lợi an toàn và dễ tính toán được thu nhập”. Tại BIDV Khánh Hòa, lãi suất tiền gửi dân cư bằng VND hiện áp dụng cho kỳ hạn dưới 1 tháng là 1,2%/năm, 1 tháng 5%/năm, 2 tháng 6%/năm, 3 - 11 tháng: 7%/năm, 12 - 60 tháng: 8%/năm; tiền gửi USD: dưới 1 tuần 0,2%/năm, từ 1 tuần trở lên: 1,25%/năm. 3 tháng liên tiếp gần đây, tiền gửi huy động từ dân cư giữ ổn định, xoay quanh mốc 2.960 tỷ đồng.   


Trong khi tiền gửi dân cư tăng thì tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm. Ông Nguyễn Đôn Minh, Giám đốc BIDV Khánh Hòa cho biết, tiền gửi doanh nghiệp ở chi nhánh giảm đến một nửa. Theo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 7, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã giảm 6,66% so với đầu năm. Ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng, tiền gửi tổ chức kinh tế giảm là phù hợp do lãi suất huy động giảm mạnh, các doanh nghiệp rút vốn về để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn người dân vẫn chọn kênh ngân hàng bởi yếu tố an toàn.


Mở rộng thị trường bán lẻ


Cho vay tiêu dùng vẫn được coi là kênh bán lẻ của các ngân hàng. Tuy chiếm thị phần không cao nhưng trong điều kiện nhiều ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp hấp thụ vốn còn yếu thì các ngân hàng tích cực mở rộng kênh bán lẻ này.


Hiện nay, MHB Chi nhánh Khánh Hòa đang tích cực giới thiệu sản phẩm cho vay tín chấp đến khách hàng là cán bộ, công nhân viên đang công tác tại các cơ quan Nhà nước với mức vay tối đa đến 200 triệu đồng, thời hạn tối đa 60 tháng. Theo ông Võ Anh Tú, Quyền Giám đốc MHB Khánh Hòa, hiện nay các ngân hàng đều quan tâm đến thị trường khách hàng cá nhân. Nhất là mấy năm gần đây, khi “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp yếu đi, sức hấp thụ vốn hạn chế, thì thị phần bán lẻ vẫn đầy tiềm năng và nhiều sự lựa chọn. MHB đang định hướng tích cực khai thác nguồn khách hàng này.


Dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm khoảng gần 10% tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh Khánh Hòa. Chi nhánh cũng đang tích cực cho vay tiêu dùng cá nhân, phục vụ cán bộ, công nhân viên mua sắm, tiêu dùng, sửa chữa nhà ở, với lãi suất cho vay trung hạn khoảng 12%. Khách hàng cho vay tiêu dùng không cần tài sản bảo đảm, mức vay có thể đến 15 tháng lương (số tiền phụ thuộc vào thu nhập hàng tháng của người vay). Điều kiện vay cơ bản là khách hàng chứng minh được mục đích sử dụng vốn vay và có nguồn trả nợ rõ ràng...


Theo ông Đoàn Vĩnh Tường, cho vay tiêu dùng cũng là mảng thị trường quan trọng, là một trong những kênh góp phần kích thích tổng cầu tăng lên.


KHÁNH NINH