Mở đầu cuộc đối thoại với doanh nghiệp về thuế và vốn tín dụng, ngày 4-7, ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị đại diện các doanh nghiệp mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi...
Mở đầu cuộc đối thoại với doanh nghiệp (DN) về thuế và vốn tín dụng, ngày 4-7, ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị đại diện các DN mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi: “Đừng nói chung chung tiếp cận vốn ngân hàng (NH) khó khăn, nói thế khó tháo gỡ lắm. Các DN cần nói rõ vướng cái gì, ở NH nào, có địa chỉ mới giải quyết được”.
Trước khi có cuộc đối thoại này, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tình hình khó khăn của DN, phân loại theo nhóm. Kết quả, 70 DN có vướng mắc liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. UBND tỉnh chọn đối thoại trước với nhóm 20 DN gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn tín dụng và thuế.
Mở rộng tín dụng nhưng không hạ thấp điều kiện cho vay
Liên quan đến thế chấp tài sản vay vốn, ông Vương Vĩnh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh phản ánh, hiện nay, để vay vốn NH, ngoài thế chấp nhà xưởng, chủ DN còn phải thế chấp cả tài sản riêng. Quy định này khiến DN có tâm lý không dám mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ông Hiệp cũng phản ánh việc khan hiếm USD, tình trạng một số DN xuất khẩu găm USD nên Công ty phải xếp hàng khi mua USD ở Vietcombank Chi nhánh Nha Trang.
Ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa tỏ ra bất ngờ khi DN phản ánh không mua được ngoại tệ: “Phải xếp hàng mua ngoại tệ tôi nghe lạ quá, nhất là lại ở Vietcombank, NH vốn sung túc ngoại tệ nhất. Trong khi các NH thương mại bây giờ đang thừa nguồn vốn cả VND lẫn ngoại tệ. 6 tháng qua, nguồn ngoại tệ tăng hơn nhiều, không có chuyện khan hiếm ngoại tệ. NH Nhà nước đủ sức can thiệp thị trường khi tỷ giá ngoại tệ tăng lên”. Ông Hoàng Minh Hùng, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Nha Trang bổ sung: “DN có đăng ký mua 143.000 USD, chúng tôi đã đáp ứng đủ. Thời gian qua, giá ngoại tệ biến động lên và giá thị trường tự do chênh hơn so các NH một chút. Có hiện tượng DN xuất khẩu tạm thời giữ lại ngoại tệ nhưng NH đảm bảo nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu. Bình quân mỗi tháng, chúng tôi bán cho các DN hơn 10 triệu USD”. Sự việc sáng tỏ khi ông Hiệp cho biết thời điểm DN mua USD đúng lúc NH điều chỉnh tỷ giá nên gặp khó khăn.
Về quan hệ tín dụng giữa DN và NH, theo ông Đoàn Vĩnh Tường, trong điều kiện khó khăn, NH đưa thêm điều kiện thế chấp tài sản riêng ngoài tài sản của DN để chủ DN có trách nhiệm với khoản vay NH. Nêu trường hợp nhiều NH phải “ôm nợ” của Công ty FLD, xử lý khoản nợ phức tạp, ông Tường cho biết, NH mở rộng tín dụng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vượt qua khó khăn nhưng không hạ thấp điều kiện tín dụng. Ông Trần Sơn Hải chia sẻ, khó nhất hiện nay với DN tiếp cận vốn vay chính là liên quan đến thế chấp tài sản, nhưng NH cũng khó du di.
Không quá cứng nhắc hạn mức tín dụng
Ông Vương Vĩnh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh bày tỏ sự e ngại khi ngân hàng yêu cầu phải thế chấp cả tài sản riêng của chủ doanh nghiệp để vay vốn. |
Phản ánh tình trạng DN thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, ông Đỗ Hữu Việt, Giám đốc Công ty Thủy sản 584 đề nghị NH điều chỉnh “động” hạn mức tín dụng. Hiện nay, Công ty chưa mua được 10% nguyên liệu sản xuất nước mắm. Lúc này, Công ty đang thừa vốn nhưng nếu gặp vụ cá nguyên liệu, nhu cầu vốn tăng vọt, Công ty e ngại vướng hạn mức tín dụng. Lo ngại của ông Việt được gỡ bỏ khi ông Đoàn Vĩnh Tường cho biết, với sản phẩm và uy tín của DN, Agribank Chi nhánh Khánh Hòa sẽ không cứng nhắc, máy móc hạn mức tín dụng. Khi nguồn nguyên liệu dồi dào, NH sẽ mở giới hạn cho Công ty. DN có nhu cầu là NH tạo điều kiện, giải phóng hạn mức.
Ông Trần Đăng Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết, Công ty đang cần khoảng 150 tỷ đồng đầu tư cho lưới điện nông thôn nhưng khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. “Mong các NH cho vay lãi suất thấp để đầu tư, vì cải tạo mạng lưới điện nông thôn không giúp Công ty tăng sản lượng mà chỉ đảm bảo an toàn cho mạng lưới, hiệu suất đầu tư thấp. Hiện Công ty chưa tìm được nguồn vay” - ông Hiền nói. Theo NH Nhà nước, Công ty không đủ điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi từ NH vì cải tạo lưới điện không thuộc lĩnh vực ưu đãi. Công ty phải tiếp cận nguồn vốn khác như ODA, NH Thế giới.
Đại diện một số DN đề nghị xem xét lại tiêu chí DN vừa và nhỏ bởi với quy định doanh số dưới 20 tỷ đồng và sử dụng dưới 200 lao động như hiện nay, nhiều DN không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, vấn đề này ngoài tầm của NH Nhà nước, UBND tỉnh ghi nhận để phản ánh.
Theo ông Đoàn Vĩnh Tường, thời gian qua, ngành NH đã cùng DN tháo gỡ khó khăn trên tinh thần chia sẻ, cùng nhau phát triển. Hiện ngành NH còn thừa vốn và muốn khơi thông nguồn vốn tín dụng cho DN. DN có khó khăn, vướng mắc hãy trực tiếp trao đổi để cùng tháo gỡ.
KHÁNH NINH