Để có thể đạt được con số 12% vào cuối năm, các ngân hàng sẽ phải "vắt chân lên cổ" với việc đưa ra hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi để hút khách hàng.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 của toàn ngành ngân hàng (NH) là 12%, nhưng sau 6 tháng đầu năm nay, mức tăng trưởng chỉ đạt 3%.
Như vậy, để có thể đạt được con số 12% vào cuối năm, các NH sẽ phải "vắt chân lên cổ" với việc đưa ra hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi để hút khách hàng. Trong thời điểm "thắt lưng buộc bụng", hầu hết doanh nghiệp (DN) không có nhu cầu vay vốn do thiếu "đầu ra", người dân không dám vay tiêu dùng vì sợ không gánh nổi lãi suất. Vậy, NH làm gì để xoay xở?
Tăng trưởng tín dụng 9% trong 6 tháng cuối năm ở thời điểm cả khách hàng DN và cá nhân đều lắc đầu với nguồn vốn vay NH khi nền kinh tế còn trì trệ, là việc khó khăn với hệ thống NH. Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các NH từ nhỏ đến lớn đều không còn cách nào khác là đưa ra những chương trình cho vay với lãi suất hấp dẫn. Agribank tăng cường cho vay hộ sản xuất và cá nhân, phấn đấu đạt được mục tiêu tăng dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân 15-17%, chiếm tỷ trọng 53-55% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, trong đó dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 70%. Để thực hiện mục tiêu này, Agribank cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm dần lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng tín dụng ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khối các NH thương mại cổ phần cũng đẩy mạnh các sản phẩm cho vay.
Trong đó, TienPhong Bank phối hợp với một số công ty triển khai sản phẩm vay tiêu dùng cầm cố ô tô. Khách hàng có nhu cầu tiền mặt đột xuất chỉ mất một giờ để vay tiền tại TienPhong Bank với lãi suất ưu đãi theo biểu lãi suất cho vay tiêu dùng. TienPhong Bank chỉ yêu cầu khách vay vốn mang ô tô và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe chính chủ tới làm thủ tục giải ngân, số tiền vay lên tới 2 tỷ đồng và tối đa 60% giá trị xe. Đây là sản phẩm đầu tiên trên thị trường hỗ trợ khách hàng vay vốn hiệu quả và nhanh chóng tại mức lãi suất thấp nhất. Ngoài ra, TienPhong Bank có chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi trong toàn bộ thời gian vay. Tùy khoản vay, TienPhong Bank áp dụng mức lãi suất 0% cho những tháng đầu, các tháng sau được tính dựa trên lãi suất tiết kiệm cộng thêm biên độ thấp nhất. Cụ thể, với khoản vay mua ô tô và mua tiêu dùng thế chấp bất động sản, khách hàng được hưởng lãi suất 0% trong 3 tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng, với mức vay từ 2 tỷ đồng trở lên; 0% trong 1 tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng và dưới 2 tỷ đồng.
Không đứng ngoài cuộc, LienVietPost Bank triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất "Tín dụng không khó - Lãi suất giảm đến 3,5%/năm" dành cho khách hàng cá nhân và DN. Đây là chương trình nhằm khơi thông dòng vốn, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng của LienVietPostBank với tổng giá trị giải ngân 1.000 tỷ đồng. Khi tham gia, khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất giảm tối đa 3,5%/năm đối với cá nhân và giảm 3% với khách hàng DN so với lãi suất cho vay thông thường. Như vậy, mức lãi suất vay vốn tối thiểu của khách hàng sẽ chỉ dừng ở mức 8%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Chương trình áp dụng đối với các khách hàng đăng ký vay mới và giải ngân trong thời gian diễn ra chương trình (từ nay đến ngày 30-10-2013), sử dụng cho các gói sản phẩm: Cho vay mua nhà đất, tín dụng an cư, cho vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm, cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay theo hạn mức tín dụng. Ngoài ra, khách hàng tham gia còn được hưởng ưu đãi khi tham gia chương trình thu ngân sách nhà nước, trợ giá tiền điện...
Mặc dù đưa ra nhiều chương trình nhưng đại diện các NH cũng thừa nhận, mục tiêu tăng trưởng tín dụng phải đạt 9% trong 6 tháng cuối năm gây áp lực cho các NH. Hiện nay, "sức khỏe" các DN chưa khả quan, nền kinh tế vẫn còn u ám nên nhu cầu vay vốn khá hạn chế. Những DN "khỏe" không có nhu cầu vay vốn, trong khi những DN "yếu" muốn vay lại không đủ điều kiện. Do đó, để có thể tăng trưởng tín dụng, NH sẽ phải tính đến chuyện hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng song điều này cũng đẩy NH vào rủi ro, khiến nợ xấu có nguy cơ tăng cao. Để khơi thông nguồn vốn, góp phần tăng trưởng tín dụng, cần phải có sự hỗ trợ từ nhiều ngành, trong đó việc quan trọng là giải phóng nguồn hàng tồn kho, giảm nợ xấu..
Theo HNM