Các ngân hàng đang tranh thủ quý III này để cố đẩy tín dụng tăng bất chấp giá vốn đang mất cân đối với nguồn tiền huy động.
Các ngân hàng đang tranh thủ quý III này để cố đẩy tín dụng tăng bất chấp giá vốn đang mất cân đối với nguồn tiền huy động.
Vốn rẻ “ngóng” doanh nghiệp
Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Eximbank cho biết, hai năm qua, mặt bằng lãi suất đã giảm rất nhanh và mạnh, từ 18-19% (năm 2011) xuống còn rất thấp như hiện nay (9-10%/năm). Lãi suất bình quân của Eximbank tuần qua ở mức 11,2%/năm, thậm chí có những doanh nghiệp (DN), Eximbank chào mời cho vay 7%/năm, ngang bằng với mức lãi suất huy động vừa được áp dụng đối với những khoản tiền gửi từ 1-6 tháng.
“Đến nay mặc dù đã đi khắp nơi chào mời nhưng dư nợ tín dụng của Eximbank tính đến cuối tháng 6/2013 chỉ tăng 0,9% so với đầu năm. Có những DN tôi cho vay 7%/năm nhưng vẫn lắc đầu không muốn vay vì nhiều ngân hàng khác đưa ra mức lãi suất cho vay rất cạnh tranh, chỉ 5-6%/năm. Những ngày tới Eximbank sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay sao cho hợp lý nhất đối với từng DN theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)”, ông Phước chia sẻ.
Đồng quan điểm này, ông Đặng Bảo Khánh – Tổng giám đốc SeABank cho biết, một số DN được vay với lãi suất 6%/năm, còn đối với những công ty vay mới, hoặc vay trong gói 2.000 tỷ đồng lãi suất khoảng 9-11%/năm của ngân hàng này.
“Từ đầu năm đến nay, huy động của SeABank vẫn tăng trưởng tốt, trung bình hơn 10%. Số dư vốn huy động tính đến tháng 6/2013 của ngân hàng đạt trên 3.500 tỷ đồng. Với lượng vốn này, chúng tôi luôn phải đẩy mạnh tín dụng ra thị trường, kể cả lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất mà ngân hàng đang huy động”, ông Khánh nói thêm.
Không chỉ Eximbank hay SeABank mà tình trạng huy động tốt hơn cho vay diễn ra ở hầu hết các ngân hàng thời gian qua. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng. Bởi vậy cũng là dễ hiểu khi theo báo cáo của NHNN, trong 5 tháng đầu năm có đến 24 trên tổng số 124 tổ chức tín dụng (TCTD) có mức chênh lệch thu và chi âm. Còn lại 100 TCTD có lãi nhưng trong đó 57 đơn vị giảm lãi so với cùng kỳ các năm trước.
Bù qua sớt lại cũng không xong
Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn huy động và cho vay có thể kết luận các ngân hàng đang lỗ ở mảng tín dụng. Bởi khi huy động vào nhưng không thể cho vay ra được, có nghĩa các ngân hàng đang phải bỏ tiền túi của mình ra trả lãi cho người gửi tiết kiệm. Đó là chưa kể, lãi cận biên cũng bị thu hẹp đáng kể do mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhanh hơn huy động.
Theo một quan chức NHNN, trước khi NHNN có các quyết định giảm lãi suất hôm 27/6 vừa qua, nếu chưa tính đến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của các TCTD là 3,03%; nhưng nếu trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch hiện chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33% cuối năm 2012.
Nay trần lãi suất huy động chỉ giảm 0,5%, trong khi trần lãi suất cho vay giảm 1%, có nghĩa mức chênh lệch trên còn thu hẹp nữa. TS. Trần Du Lịch cũng thừa nhận thực trạng các ngân hàng đang chịu lỗ thật. Tuy nhiên, đối với ngân hàng tín dụng là một phần quan trọng của hoạt động nên ngân hàng hoàn toàn có cơ sở để hạ thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ nguồn vốn cho DN. “DN không nên lo ngại ngân hàng “bẫy” lãi suất mà hãy mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất”, TS. Trần Du Lịch nói.
Sự khó khăn đưa vốn ra thị trường của các ngân hàng là có thật. Ông Đặng Bảo Khánh cho biết, chuyện cho vay thấp, huy động cao thì ngân hàng phải có bài toán đặc biệt cho mình. Chẳng hạn, hiện nay VietinBank, SeABank, Vietcombank… đều cho DN vay lãi suất 6%/năm. Ngoài lãi suất thu được trong các khoản tín dụng, ngân hàng phải tính đến tăng nguồn thu từ những dịch vụ khác như lãi thu được từ tiền gửi, phí thanh toán… cộng tất cả lại nếu ngân hàng thấy cân đối được khoản lãi trong dài hạn thì trong ngắn hạn, ngân hàng chấp nhận chịu lỗ để cho vay vốn thấp hơn giá vốn huy động.
Quan hệ ngân hàng và khách hàng không chỉ một ngày, hai ngày, cũng không phải chỉ có một khách hàng mà DN thường dùng trọn gói dịch vụ tại ngân hàng chi phí sẽ giảm bớt cho cả đôi bên. Do đó, ngân hàng không sợ cho DN vay lãi suất thấp hơn giá vốn huy động, ông Đặng Bảo Khánh chia sẻ.
Một lý do khác tạo điều kiện để ngân hàng cho vay rẻ đó là các kênh đầu tư tài chính khác không còn hiệu quả. Như vậy, một mặt các ngân hàng chọn đấu thầu trái phiếu Chính phủ để giải bài toán tắc vốn tín dụng, quan trọng hơn các ngân hàng vẫn mong muốn đẩy mạnh vốn cho DN.
Nói như ông Trương Văn Phước: “Eximbank luôn đưa ra giá vốn thấp để DN vay dù biết là lỗ nhưng cho DN vay lãi suất 7,5%/năm còn đỡ đau lòng hơn là cho vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất chỉ còn 1,5 -2%/năm”.
Rõ ràng, các ngân hàng đang tranh thủ quý III này để cố đẩy tín dụng tăng bất chấp giá vốn đang mất cân đối với nguồn tiền huy động. Tuy nhiên điều khó khăn nhất hiện nay của các DN vẫn nằm ở sự ỳ ạch của sức mua chứ không phải là lãi suất ngân hàng ở mức bao nhiêu. Thế nên các ngân hàng có sử dụng lãi suất thấp trong điều kiện mãi lực xuống mạnh như hiện nay cũng khó có kết quả trong ngắn hạn, mà người cho vay cần kiên trì thêm một thời gian nữa.
Theo Thời báo Ngân hàng