Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013, 6 tháng cuối năm là thời gian ngành Ngân hàng cần nhiều giải pháp tăng tốc để kịp về đích.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013, 6 tháng cuối năm là thời gian ngành Ngân hàng cần nhiều giải pháp tăng tốc để kịp về đích.
Sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Năm 2013, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Trong điều kiện kinh tế chưa phục hồi, nhu cầu tiêu dùng giảm, hàng tồn kho của doanh nghiệp (DN) nhiều, ngành Ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng nói trên khi 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng cả nước chỉ đạt 3%. Như vậy, 6 tháng cuối năm, toàn ngành sẽ phải gánh 9% còn lại.
Tại Khánh Hòa, đến cuối tháng 6-2013, tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 23.250 tỷ đồng, tăng 5,68% so với đầu năm. Dư nợ cho vay tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chiếm 85% tổng dư nợ. Theo ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng gần 6% trong 6 tháng đầu năm (gần gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng của cả nước), ngành Ngân hàng Khánh Hòa sẽ đạt mục tiêu cả năm. “6 tháng cuối năm thường là thời gian tăng trưởng tín dụng tốt nhất. Thời gian qua, chính sách tiền tệ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh giải pháp, chính sách tiền tệ của Thống đốc, cần có thêm những giải pháp tích cực hơn từ phía Chính phủ. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ nên tăng cường nguồn vốn trái phiếu cho các mục tiêu quan trọng như: Cơ sở hạ tầng, những dự án có tính chất đột phá, thực hiện chính sách an sinh, xã hội cộng gói kích thích của các ngân hàng thương mại cho các lĩnh vực ưu tiên sẽ giúp đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng” - ông Đoàn Vĩnh Tường nói.
Nợ xấu có xu hướng tăng |
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, hiện nay, lãi suất đã giảm mạnh (lãi suất huy động VND giảm 2 - 3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3 - 4%/năm); lãi suất không còn là nguyên nhân chính cản trở tín dụng mà do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Ông Hoàng Minh Hùng - Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Nha Trang cho biết: “DN hấp thụ vốn rất hạn chế. Chúng tôi chào mãi nhưng DN không vay bởi còn ứ hàng”. Theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, hiện nay, Ngân hàng còn thừa 1.500 tỷ đồng vốn nhưng rất khó cho DN vay, vì DN kêu thiếu vốn nhưng tính minh bạch thấp. Thực tế, nhiều DN khó khăn đang có nhu cầu vay nhưng không đủ điều kiện vay vốn. Do nợ xấu tăng cao nên một số tổ chức tín dụng thận trọng hơn trong việc quyết định cho vay.
Tìm cách kéo giảm lãi suất cho vay
Đến cuối tháng 5-2013, nợ xấu toàn tỉnh (chưa tính Chi nhánh Ngân hàng Phát triển) là 644 tỷ đồng, chiếm 2,9%; tăng 136 tỷ đồng, tăng 0,48% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước 2,11%, ngân hàng thương mại cổ phần liên doanh 4,5%. Nợ xấu tăng chủ yếu ở các ngành thương mại, công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng. |
Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các tổ chức tín dụng đã có nhiều cố gắng để giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, lãi phạt. Về giảm lãi suất cho vay, hơn 5.300 khách hàng đã được thụ hưởng các gói tín dụng ưu đãi, mức suất phổ biến 7,5 - 11%/năm (VND) và 3,5 - 5,4%/năm (USD) với doanh số cho vay đạt 2.509 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, 975 DN và gần 4.200 cá nhân, hộ gia đình điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về tối đa 13%/năm với tổng dư nợ được điều chỉnh 4.963 tỷ đồng. Toàn tỉnh, dư nợ có lãi suất từ 11%/năm trở xuống chiếm 51,2% (tương đương 11.818 tỷ đồng). Tuy nhiên, còn 13,8% dư nợ (tương đương 3.188 tỷ đồng) có lãi suất trên 13 đến 15%. Để tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, tìm cách hạ lãi suất cho vay, cố gắng điều chỉnh những khoản vay lãi suất cao trước đây xuống tối đa 13%/năm.
Những tháng cuối năm, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai cơ chế cho vay hỗ trợ nhà ở, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng… Các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả để tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ưu tiên tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, DN sử dụng nhiều lao động, các dự án có hiệu quả và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
KHÁNH NINH