10:06, 30/06/2013

Hạ lãi suất chưa thể “phá băng” tín dụng

Theo các chuyên gia kinh tế, việc "phá băng" tín dụng cần phải được tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, chứ không thể chỉ dựa vào việc hạ lãi suất.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc "phá băng" tín dụng cần phải được tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, chứ không thể chỉ dựa vào việc hạ lãi suất.

Triển vọng những giải pháp "phá băng" tín dụng

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để "phá băng" tín dụng cần tiến hành đồng bộ cả 4 giải pháp như: giảm lãi suất; xử lý nợ xấu; tăng đầu tư công để kích thích các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xây dựng và xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong đó, giải pháp cốt lõi nhất trong bối cảnh kinh tế hiện nay là xử lý nợ xấu.

Ông Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đánh giá, nợ xấu trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến việc "phá băng" tín dụng. Nhưng trong dài hạn nó ảnh hưởng đến toàn bộ nền tảng tài chính quốc gia, đó chính là hệ thống ngân hàng.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nói về triển vọng của những giải pháp "phá băng" tín dụng, ông Nghĩa cho rằng: “Việt Nam đang đi đúng hướng. Thứ nhất, Việt Nam đã giảm lãi suất; Thứ hai, Chính phủ đã đưa ra Quốc hội thảo luận về việc tăng phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng như con đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, thậm chí phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp vay để giải ngân vốn ODA; Thứ ba, chúng ta tập trung toàn bộ nguồn lực để xử lý nợ xấu trong vòng 3-5 năm tới đây; Thứ tư, chúng ta xử lý tiếp những ngân hàng yếu kém, nếu họ chịu đựng được thử thách thông qua quá trình xử lý nợ xấu này thì họ sẽ tồn tại, nếu không thì chúng ta phải dứt khoát xử lý nhanh gọn để việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lành mạnh".

Gỡ rối nợ xấu từ doanh nghiệp và ngân hàng

Việt Nam đang bắt đầu thực hiện đồng thời 4 giải pháp nhằm "phá băng" tín dụng, trong đó có những giải pháp đã thực hiện được trong thời gian qua. Riêng việc xử lý nợ xấu đang bắt đầu bằng sự hình thành và đi vào hoạt động của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), từ ngày 9/7/2013, với các chức năng: bảo lãnh cho vay, tài trợ tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp, đầu tư vào doanh nghiệp, nhằm chủ yếu tháo gỡ việc tiếp cận vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp….

Ông Nghĩa đánh giá, bảo lãnh là một công cụ quan trọng nhất của VAMC. Bởi nếu không có chức năng này thì với việc chuyển nợ từ ngân hàng sang VAMC, tài sản của doanh nghiệp cũng từ ngân hàng sang VAMC, như vậy doanh nghiệp sẽ không còn tài sản để tiếp tục thế chấp ngân hàng để vay tiền.

Hơn nữa, trung tâm thông tin tín dụng của ngân hàng vẫn ghi nhận doanh nghiệp có nợ xấu (sau 5 năm số nợ này mới được xóa hết). Do đó, lịch sử tín nhiệm tín dụng của doanh nghiệp là rất thấp, doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, để ngân hàng tiếp tục có quan hệ tín dụng với doanh nghiệp thì phải có sự đứng ra bảo lãnh của VAMC.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay chưa có một ngân hàng nào công bố tỷ lệ nợ xấu thực sự của mình. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa hề tiết lộ con số nợ xấu cập nhất mới nhất của toàn hệ thống đến hết 6 tháng đầu năm.

Trong khi đó, vào thời điểm đầu năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 6%, thì các tổ chức tín dụng báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước lại là con số khác, chưa đến 5%. Đây chính là vấn đề mấu chốt khiến các chuyên gia tài chính và dư luận nghi ngại cho hiệu quả hoạt động thực sự của VAMC khi mà con số nợ xấu chưa được công khai, minh bạch.

Theo Vnmedia