Quy định này tại Nghị định 61/2013 vừa được Chính phủ ban hành về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước...
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước là chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Theo Quy chế này, có 4 trường hợp doanh nghiệp bị giám sát tài chính đặc biệt.
4 trường hợp doanh nghiệp bị giám sát tài chính đặc biệt
Cụ thể, doanh nghiệp được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm hoặc qua công tác giám sát tài chính, kiểm toán phát hiện có tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một trong 4 trường hợp sau: Kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định; Có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; Có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5; Báo cáo không đúng thực tế về tài chính, làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán thực hiện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật về ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán.
Ảnh minh họa. |
Doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt phải lập phương án cơ cấu lại tổ chức, hoạt động kinh doanh và tài chính để trình chủ sở hữu trong thời gian 20 ngày kể từ khi có Quyết định giám sát đặc biệt.
Định kỳ hằng tháng, quý, năm, doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu, cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp các chỉ tiêu như: Sản lượng, giá trị sản lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ chủ yếu sản xuất, tiêu thụ, tồn kho trong kỳ; doanh thu hoạt động kinh doanh, thu nhập khác; chi phí hoạt động kinh doanh, chi phí tiền lương, khấu hao tài sản cố định, chi phí trả lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp; tình hình thu hồi nợ, huy động vốn và trả nợ; lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn chủ sở hữu...
Doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt mà 2 năm liên tục (kể từ thời điểm có quyết định giám sát đặc biệt) không còn có các chỉ tiêu thuộc diện giám sát đặc biệt và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát thì được đưa ra khỏi danh sách giám sát đặc biệt.
Nếu doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt 2 năm liên tục vẫn thua lỗ thì phải thực hiện chuyển đổi sở hữu hoặc giải thể, phá sản theo quy định.
5 chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Quy chế này cũng quy định 5 chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, gồm: Doanh thu và thu nhập khác; Lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn chủ sở hữu; Nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn; Chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác, về tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bảo vệ môi trường, về lao động, tiền lương, an sinh xã hội, về chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính; Tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.
Các chỉ tiêu nêu trên được xác định và tính toán từ số liệu trong các báo cáo tài chính, báo cáo thống kê định kỳ theo quy định hiện hành.
Kết quả đánh giá và xếp loại doanh nghiệp được phân làm 3 loại: Doanh nghiệp xếp loại A, doanh nghiệp xếp loại B và doanh nghiệp xếp loại C. Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các chỉ tiêu đánh giá và xếp loại doanh nghiệp theo quy định này.
Theo VOV online