Theo Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được phê duyệt, Chính phủ đưa nhiều nhóm giải pháp phát triển thị trường bất động sản.
Điều chỉnh nguồn cung
Nhằm điều chỉnh nguồn cung cho thị trường bất động sản, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.
Đối với các dự án đã giao chủ đầu tư nhưng chưa giải phóng mặt bằng và không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương thì dừng triển khai; chỉ xem xét cho phép tiếp tục triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư phục vụ nhu cầu nhà ở tái định cư, các công trình quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn của địa phương.
Đối với các dự án đã hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thì cho phép chủ đầu tư tổ chức sản xuất kinh doanh tạm thời, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép; đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, nhà ở cho cán bộ, công chức, công nhân, lực lượng vũ trang.
Ảnh minh họa. |
Cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua các đối tượng chính sách.
Bộ Xây dựng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp thông qua các biện pháp giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường...
Hỗ trợ đầu ra
Để hỗ trợ đầu ra cho thị trường bất động sản, Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các cấp sẽ xem xét mua lại một số loại công trình, bất động sản thế chấp vay ngân hàng sắp hoàn thành hơạc đã hoàn thành nhưng chưa bán được để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Các địa phương có tồn khi sản phẩm bất động sản lớn hạn chế tối đa sử dụng vốn cho đầu tư, xây dựng mới nhà ở tái định cư, sử dụng các nguồn vốn đó để mua lại các dự án nhà ở thương mại phù hợp phục vụ nhu cầu tái định cư, làm nhà xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp…
Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được quyền sử dụng đất theo tiến độ bán, cho thuê nhà ở. Giải quyết nhanh các thủ tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chuyển đổi cơ cấu, mục đích của dự án.
Tiếp tục mở rộng tín dụng
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó ưu tiên tập trung cho vay các dự án bất động sản sắp hoàn thành, các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, lao động ở khu công nghiệp và các đối tượng chính sách khác với lãi suất phù hợp và không tính tỷ lệ dư nợ này trong tổng dư nợ cho vay bất động sản bị khống chế.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các gói sản phẩm tín dụng dài hạn với lãi suất phù hợp phục vụ hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà để ở, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở và được thế chấp bằng chính căn nhà sẽ mua.
Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại Nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước dành từ 20-40 nghìn tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay đối với các đối tượng nêu trên.
Theo VOV