Trong 7 tháng còn lại của năm 2013, thị trường còn nhiều yếu tố tích cực, có thể là động lực để đưa chỉ số chứng khoán hai sàn tăng cao...
Trong 7 tháng còn lại của năm 2013, thị trường còn nhiều yếu tố tích cực, có thể là động lực để đưa chỉ số chứng khoán hai sàn tăng cao. Đó là nhận định của ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán FLC (FLCS).
Ông Thắng phân tích: Đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua những tháng đầu năm tích cực với những dấu hiệu phục hồi tốt. Và mới đây, đầu tháng 6/2013, Reuters đã công bố dữ liệu về diễn biến của các TTCK châu Á kể từ đầu năm 2013 đến nay.
Theo đó, nếu tính theo USD, mức tăng trưởng của TTCK Việt Nam ước đạt 23%, đứng đầu khu vực châu Á. Còn tính theo nội tệ, mức tăng của TTCK Việt Nam hiện đứng thứ 2 chỉ sau Nhật Bản với tỷ lệ ước đạt khoảng 24%.
Ảnh minh họa. |
Nếu như trong tháng 5, TTCK khởi sắc là do những thông tin tích cực như: động thái cắt giảm lãi suất huy động của các ngân hàng lớn xuống thấp hơn trần huy động, chỉ còn khoảng 5% - 6%/năm; sự kiện chính thức thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) để xử lý nợ xấu; gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản và người mua nhà ở xã hội, đã khiến cho chỉ số cả 2 sàn chứng khoán tăng gần 10%...
Trong 7 tháng còn lại của năm 2013, tôi cho rằng, thị trường còn nhiều yếu tố tích cực, có thể là động lực để đưa chỉ số chứng khoán hai sàn tăng cao.
Trước hết là động thái nới room cho khối ngoại: đây là một trong những thông tin cũng sẽ tác động đến thị trường một cách tích cực. Đây là thông tin không mới, từ góc độ đề xuất của UBCK, cơ quan quản lý trực tiếp TTCK. Tuy nhiên, điểm khích lệ thị trường nằm ở chỗ, đề xuất này đã được Bộ Tài chính chấp thuận, đang được lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan để trình Chính phủ. Nếu được thông qua, đây sẽ là yếu tố khá quan trọng để kích thích dòng tiền vào TTCK, có thể sẽ tiếp tục tạo sự hưng phấn cho các nhà đầu tư trên TTCK trong các phiên sau đó.
Thứ hai, tác động của việc VAMC đi vào hoạt động. Hiện nay, VAMC mới đang trong quá trình chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức, chưa thể khẳng định về khả năng xử lý nợ xấu thành công của định chế này. Tuy nhiên, việc các ngân hàng có nợ xấu cao được hỗ trợ thanh khoản sẽ là tiền đề cho mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới, tạo hy vọng cho cầu tín dụng gia tăng trở lại. Đây sẽ là những yếu tố giúp có thể tăng cung tiền cho nền kinh tế, thêm niềm tin cho giới đầu tư, tạo nên cú hích lớn cho thị trường.
Thứ ba, tác động của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản đã chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 6. Gói hỗ trợ này được hy vọng sẽ giúp cho khoản mục tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản cải thiện. Bên cạnh các công ty bất động sản, xây dựng, thì nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng cũng có thể hưởng lợi từ gói kích cầu này. Thống kê chỉ tiêu kế hoạch các DN bất động sản cho thấy, năm 2013, nhìn chung, các DN này kỳ vọng mức tăng trưởng rất ấn tượng về lợi nhuận so với con số thực hiện năm 2012.
Thực tế cho thấy, kết quả kinh doanh các DN không chỉ trong ngành bất động sản, mà nhiều lĩnh vực khác đều khá tốt so với cùng kỳ năm 2012, do tác động của giảm lãi suất, kinh tế vĩ mô bớt khó khăn. Đó là các yếu tố có thể tác động vào yếu tố cơ bản của TTCK trong nửa cuối năm nay. Ngoài ra, ngay trong tháng 7 tới đây, mùa công bố BCTC bán niên có thể sẽ là động lực để nhiều mã chứng khoán có kết quả kinh doanh tốt tăng giá mạnh.
Thứ tư, sự ủng hộ của yếu tố tâm lý, kỹ thuật tới diễn biến thị trường. Dựa trên phân tích các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế và phân tích kỹ thuật, TTCK được cho rằng đã kết thúc một chu kỳ giảm điểm dài hạn từ 2008 – 2012 và bắt đầu một chu kỳ tăng cho các tháng tiếp theo và vượt 650 điểm trong năm 2013. Yếu tố này, cộng thêm tác động của việc kết thúc tốt đẹp kỳ họp Quốc hội thứ 5 của Quốc hội (ngày 18/6) cũng là những yếu tố cộng hưởng, giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn với TTCK.
Theo Thời báo Ngân hàng