Theo mức thuế suất thuế tài nguyên đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, thuế suất các loại khoáng sản sẽ tăng cao. Trong đó, mức thuế suất vàng sẽ tăng kịch trần là 25%, titan tăng từ 11% lên 16%...
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị quyết về việc ban hàng biểu mức thuế suất tài nguyên. Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên tập trung vào 3 nhóm tài nguyên là nhóm khoáng sản kim loại, nhóm khoáng sản không kim loại và nhóm nước thiên nhiên dùng cho sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, đối với nhóm khoáng sản kim loại: Nhóm này gồm 13 loại, hiện đang có 4 mức thuế suất là: 10% (áp dụng đối với Sắt; Bạch kim; Bạc, thiếc; Vôn-phờ-ram, ăng-ti-moan; Chì, kẽm; Đồng, Ni-ken; Cô-ban, mô-lip-đen, thủy ngân, ma-nhê, va-na-đi và khoáng sản kim loại khác), 11% (áp dụng đối với Măng-gan và Ti-tan), 12% (áp dụng đối với Nhôm và Bô-xít) và 15% (áp dụng đối với Vàng và Đất hiếm).
Theo Bộ Tài chính, để thực hiện mục tiêu không khuyến khích việc khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, cần phải điều chỉnh lại mức thuế suất của một số loại khoáng sản cho phù hợp.
Cụ thể, đối với vàng: Đề nghị mức thuế suất dự kiến tăng từ 15% lên 25% (mức kịch trần). Theo Báo cáo số 167/BC-CP ngày 25/6/2008 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác vàng khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, vàng ở Việt Nam có tổng trữ lượng khoảng 154 tấn, trong đó trữ lượng thăm dò chỉ đạt 42,7 tấn.
Hiện nay, công nghệ khai thác, chế biến vàng của các doanh nghiệp trong nước chưa cao, hiệu quả kinh tế đạt thấp, gây lãng phí tài nguyên và phát sinh tác động xấu về môi trường. Ngoài ra, sản lượng khai thác vàng rất khó quản lý. Do đó, để hạn chế việc khai thác tài nguyên quý hiếm với trữ lượng có hạn, khuyến khích doanh nghiệp thăm dò, khai thác vàng hiệu quả và hạn chế gây ô nhiễm môi trường, do đó, mức thuế suất thuế tài nguyên đối với vàng được đề nghị tăng ở mức kịch trần.
Theo tính toán, với mức thuế suất hiện hành là 15%, lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác là 113.008.830 đồng/kg; qua rà soát, cân nhắc trong dải thuế suất từ 15% tới 25% thì mức thuế suất 25% là hợp lý. Với mức thuế suất dự kiến tăng lên (25%), lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác giảm còn 57.271.532 đồng/kg.
Dự thảo Nghị quyết cũng đề nghị tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với sắt từ 10% lên 15%, quặng titan từ 11% lên 16%. Với việc tăng mức thuế suất của quặng titan nêu trên, số thu thuế tài nguyên dự kiến khoảng 123,8 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 38,7 tỷ đồng.
Tổng trữ lượng titan tính đến năm 2011 khoảng 650 triệu tấn tinh quặng, thuộc loại lớn trên thế giới, đủ trữ lượng để có chiến lược phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến titan. Sản lượng khai thác bình quân là 836.381 tấn/năm.
Hiện nay, việc khai thác và xuất khẩu titan phần lớn là ở dạng tinh quặng ilmenit, rutile tự nhiên và bột Zircon, hiệu quả chưa cao, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Việt Nam đã xuất khẩu tinh quặng titan với số lượng lớn, kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi năm đạt 66.907.250 USD/năm, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu nhóm khoáng sản kim loại.
Xu hướng một số nước có thăm dò, khai thác titan đều hạn chế xuất khẩu thô quặng titan (Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Nam Phi,..), có thể dẫn đến nhu cầu và giá quặng titan tăng cao trong giai đoạn tới. Do đó, để đảm bảo phục vụ nhu cầụ trong nước, hạn chế xuất khẩu thô tinh quặng và khuyến khích các doanh nghiệp khai thác đầu tư công nghệ tiên tiến chế biến sâu tinh quặng titan để xuất khẩu, đề nghị tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với titan từ 11% lên 16%.
Ngoài các tài nguyên nêu trên, một số tài nguyên khác cũng được Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh mức thuế suất bao gồm: Đồng, niken đề nghị tăng từ 10% lên 15%, Vonfram tăng từ 10% lên 18%, đất làm gạch cũng tăng từ 7% lên 10%, cắt tăng từ 10% lên 11%, đá và sỏi cũng tăng từ 6% lên 7% cho phù hợp với mức thuế suất của đá nung vôi và sản xuất vi măng. ..
Bộ Tài chính tính toán, với các mức thuế suất dự tính điều chỉnh như nêu trên thì số thu thuế tài nguyên dự kiến tăng lên khoảng 508,6 tỷ đồng (với giả thiết số thu thuế của các loại tài nguyên khác không thay đổi). Hiệu lực thi hành được đề nghị áp dụng từ ngày 1-1-2014.
Theo Vnmedia