11:05, 19/05/2013

Doanh nghiệp xăng dầu muốn tự tăng giá ở mức 3%

Không mặn mà với phương án áp mức trần bán lẻ xăng, dầu theo tháng hay theo năm mà Bộ Công thương đưa ra, nhiều doanh nghiệp xăng, dầu đề xuất vẫn nên điều chỉnh giá mặt hàng này theo nhịp 10 ngày...

Không mặn mà với phương án áp mức trần bán lẻ xăng, dầu theo tháng hay theo năm mà Bộ Công thương đưa ra, nhiều doanh nghiệp xăng, dầu đề xuất vẫn nên điều chỉnh giá mặt hàng này theo nhịp 10 ngày; tuy lại kiến nghị nên có sự thay đổi về điều kiện để doanh nghiệp được chủ động điều chỉnh giá.

Đây là ý kiến được Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp đầu mối nêu lên tại hội thảo "Sửa đổi, bổ sung nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu" vừa được tổ chức mới đây.

Nói rõ hơn về ý kiến trên, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho rằng quy định các doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ khi yếu tố cấu thành tăng 5% so với giá bán lẻ như trong dự thảo là chưa thực sự hợp lý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo ông Bảo, mức 5% có thể tương đương với cả ngàn đồng so với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu. Đây là số tiền không nhỏ với mỗi đợt tăng giá và có thể gây sốc thị trường.

"Mức tăng mỗi lần chỉ nên từ 500-600 đồng để thị trường được vận động hài hòa," đại diện Petrolimex nhấn mạnh.

Nói thêm về hai phương án khác của Bộ Công thương, tức là cố định mức giá trần theo tháng hoặc theo năm, ông Bảo cho rằng, việc này có thể làm nảy sinh tách biệt so với thị trường thế giới. Theo đó, giá trong nước có thể chậm nhịp so với giá xăng dầu nước ngoài hay thậm chí có thể gây hiện tượng đầu cơ khi có thời điểm giá tăng tới chục USD trong một tuần.

Ý kiến này cũng được Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và một số doanh nghiệp đầu mối như Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dầu khí Đồng Tháp hay công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) tán đồng.

Đại diện cho Hiệp Hội xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội, đưa ra con số cụ thể hơn cho ý kiến này. Theo ông Ruệ, thay vì 5%, dự thảo có thể quy định khi các yếu tố cấu tháng giá cơ sở biến động tăng khoảng 3% thì doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá.

Ngoài ra, ông Ruệ cho rằng, nếu các yếu tố trên tăng từ 3% đến 7% so với giá bán lẻ thì doanh nghiệp được quyền tăng giá 3%, cộng thêm 60% của mức giá cơ sở tăng trên 3% đến 7%; 40% còn lại sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp theo quy định.

Cũng theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá cũng nên thu gọn lại 10 ngày thay vì 15 ngày như trong dự thảo.

Ông Võ Văn Quyền Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến của phía doanh nghiệp. Đặc biệt, ông Quyền cũng cho rằng, việc sử dụng quỹ bình ổn ra sao để đảm bảo công khai minh bạch là vấn đề dự thảo rất quan tâm.

Bản thân ông Quyền cũng đưa ra ý kiến để quản lý nguồn tiền này hiệu quả hơn nếu lập riêng một tài khoản cho quỹ bình ổn ở các doanh nghiệp và chỉ sử dụng khi thông qua cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này theo ông Quyền có thể tránh việc tù mù trong việc quản lý quỹ bình ổn tại các doanh nghiệp.

Đồng tình vấn đề này nhưng ông Phan Thế Ruệ đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đưa thêm phương án có thể bỏ hẳn quỹ bình ổn xăng dầu. Theo ông Ruệ, việc này có thể giảm bớt và ổn định các yếu tốt cấu thành giá bán giúp giá bán lẻ xăng, dầu minh bạch hơn.

Theo TTXVN