Trong thời hạn 60 ngày, Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với việc quản lý thị trường vàng giai đoạn từ tháng 1-2009 đến hết tháng 3-2013.
Trong thời hạn 60 ngày, Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với việc quản lý thị trường vàng giai đoạn từ tháng 1-2009 đến hết tháng 3-2013.
Quyết định thanh tra ký ngày 16-4 và được công bố ngày 22-4 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước, với sự tham gia của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đoàn công tác do một vụ trưởng của Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn, làm việc trong 60 ngày, kể từ ngày quyết định được công bố.
Theo quyết định trên, cơ quan thanh tra sẽ làm rõ trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay vốn bằng vàng, trong thời gian từ tháng 1-2009 đến hết tháng 3-2013. Thanh tra Chính phủ cho biết, khi cần thiết, có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Ảnh minh họa. |
Thị trường vàng trong nước liên tục biến động từ đầu năm 2009 tới nay, giá tăng gấp đôi do tác động của diễn biến quốc tế cũng như những nhân tố chính sách, thị trường trong nước. Cùng thời gian này, giá thế giới tăng từ hơn 800 USD mỗi ounce lên hơn 1.400 USD.
Trước 2009, thị trường trong nước phát triển gần như ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt với cơn sốt đầu tư trên sàn vàng (giao dịch vàng tài khoản online trong nước). Tới đầu 2009, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng cấp phép các trung tâm giao dịch mới, đồng thời đề xuất đóng cửa hoàn toàn loại hình đầu tư rủi ro này từ tháng 3/2010. Hoạt động kinh doanh tài khoản ở nước ngoài của các ngân hàng, doanh nghiệp, sau đó cũng bị khóa lại.
Chỉ hoạt động trong gần 3 năm, sàn vàng đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các đơn vị quản lý, đặc biệt là những ngân hàng và doanh nghiệp đầu mối được phép kinh doanh cả vàng vật chất lẫn tài khoản trong và ngoài nước. Nhưng nhiều đơn vị trong số này cũng thua lỗ hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng khi giá thế giới diễn biến ngoài toan tính và có sự thay đổi trong chính sách quản lý của Nhà nước.
Cũng trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước từng bước siết việc huy động và cho vay vốn bằng vàng của các ngân hàng thương mại. Nghiệp vụ này được cho phép triển khai từ năm 2000, nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn bằng vàng trong dân, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng được phép huy động vàng và chuyển đổi một phần thành tiền đồng để cho vay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc các ngân hàng vừa được huy động, cho vay, vừa có chức năng kinh doanh vàng vật chất, tài khoản, ngoài mặt tích cực, đã tạo kẽ hở cho hoạt động đầu cơ, làm giá, gây hỗn loạn thị trường vàng, qua đó tạo sức ép tới tỷ giá. Vì vậy, cơ quan này yêu cầu chấm dứt chuyển đổi vàng thành tiền đồng từ 1/5/2011, tiến tới dừng hoàn toàn hoạt động huy động, cho vay bằng vàng. Hạn chót tất toán theo kế hoạch ban đầu là 1/5/2012, sau đó được nới tới 30/6 năm nay. Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng cuộc chơi vàng của các đại gia cũng sẽ kết thúc sau thời điểm này.
Giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại vào cuối tháng 8-2011, trong nước có thời điểm lên đến 49 triệu đồng một lượng, thế giới gần chạm 1.900 USD một ounce, buộc Ngân hàng Nhà nước triển khai cả những biện pháp chưa có tiền lệ để bình ổn, bên cạnh việc cấp quota nhập khẩu như thường thấy mỗi lần thị trường sốt. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước rốt ráo hơn trong việc lập lại trật tự trên thị trường, mạnh tay với hoạt động buôn lậu, đóng cửa hàng nghìn điểm mua bán vàng miếng tự phát, nắm lại độc quyền nhập khẩu, giao dịch tài khoản nước ngoài và sản xuất vàng miếng.
Từ tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chính thức gia nhập thị trường, bằng cách mua bán với ngân hàng và doanh nghiệp, qua đó điều tiết cung cầu và đảm bảo dự trữ ngoại hối quốc gia. Khi bắt đầu triển khai nghiệp vụ mới, Ngân hàng Nhà nước cho biết phải thực hiện yêu cầu của Quốc hội về việc đưa giá trong nước về sát với thế giới.
Giá vàng trong nước bắt đầu vượt xa thế giới kể từ tháng 5-2012. Sự kiện bầu Kiên (nguyên Phó chủ tịch ACB - ngân hàng đi đầu về hoạt động kinh doanh vàng) bị bắt tháng 8 năm ngoái đẩy chênh lệch giữa hai thị trường lên đến 3 triệu đồng một lượng. Đến nay, sau gần một tháng Ngân hàng Nhà nước bán hơn 10 tấn vàng can thiệp, khoảng chênh này đang duy trì quanh 6 triệu đồng.
Theo Vnexpress