10:04, 03/04/2013

Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp vẫn khó vay

Việc áp dụng trần lãi suất huy động giảm đã tác động khác nhau đến các ngân hàng. Lãi suất huy động giảm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn khó vay được vốn.

Việc áp dụng trần lãi suất huy động giảm đã tác động khác nhau đến các ngân hàng. Lãi suất huy động giảm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay nhưng thực tế, DN vẫn khó vay được vốn.


Lãi suất huy động giảm: Người khó, người không


Từ ngày 26-3, lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm còn 7,5%/năm; trần lãi suất với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên 2%/năm. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố điều chỉnh giảm lãi suất, các chi nhánh NH trên địa bàn đều đã niêm yết mức lãi suất mới theo quy định.


Trước đó, NH Thương mại cổ phẩn (TMCP) Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nha Trang đã giảm lãi suất tiền gửi từ 8%/năm xuống 7,5%/năm đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng. Vì thế, từ ngày 26-3, Chi nhánh chỉ điều chỉnh giảm thêm đối với các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng.


NHNN để các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài tự ấn định mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng trở lên trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Tuy nhiên, sau khi trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn giảm, một số NH cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản tiền gửi trung hạn. Lãi suất huy động tiền gửi thông thường loại kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng ở NH TMCP Công thương Chi nhánh Khánh Hòa áp dụng từ ngày 26-3 là 9,3%/năm; trước đó, mức lãi suất áp dụng từ ngày 21-1 là 10,2%/năm. Tương tự, NH Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Khánh Hòa áp dụng lãi suất tiền gửi 10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, trước đó, mức lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 12 - 13 tháng là 10,5%/năm.  

1
 


Đánh giá tác động việc giảm trần lãi suất tiền gửi với hoạt động kinh doanh của NH, bà Huỳnh Thị Phương, Phó Giám đốc NH TMCP Công thương Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Việc giảm lãi suất tiền gửi không ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của Chi nhánh, nguồn cân đối thanh khoản được đảm bảo”. Có NH cho biết, tác động việc giảm trần lãi suất không đáng kể do người rút tiền chỉ là khách hàng cá nhân nhỏ lẻ. Tuy nhiên, một số NH lại thấy ngay tác động. “Ngay trong ngày đầu tiên niêm yết lãi suất 7,5%, mấy chục tỷ đồng từ khách hàng cá nhân đã ra đi. Chi nhánh không có ưu đãi nào cho khách hàng ngoài lãi suất niêm yết. Khách hàng đã có sự so sánh về việc chào lãi suất thực tế giữa các NH” - đại diện một NH cho biết. “Giảm lãi suất huy động đương nhiên khách hàng sẽ phân vân trong việc đầu tư kênh nào sinh lợi. Một số khách hàng rút tiền, một số khách hàng chuyển sang tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên để hưởng mức lãi suất cao hơn” - đại diện một NH khác cho biết.


Lãi suất cho vay giảm, doanh nghiệp vẫn khó vay

 Nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Khánh Hòa giải thích cho khách hàng về mức lãi suất tiền gửi mới áp dụng.
Nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Khánh Hòa giải thích cho khách hàng về mức lãi suất tiền gửi mới áp dụng.

 

Theo ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, các NH trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giảm lãi suất theo quy định của NHNN. Việc giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn.

Một số NH đã giảm lãi suất cho vay phổ biến ở mức 0,5 - 1%. Theo bà Huỳnh Thị Phương, Phó Giám đốc NH TMCP Công thương Chi nhánh Khánh Hòa, lãi suất nhiều khoản cho vay ngắn hạn đã giảm tương ứng với tỷ lệ huy động. Cụ thể, từ ngày 27-3, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh giảm từ 12,5% xuống còn 12%/năm; phục vụ lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu giảm từ 12%/năm còn 10,5%/năm với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống và 11%/năm kỳ hạn trên 6 tháng; cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ đều giảm từ 12%/năm xuống còn 11%/năm. Từ 26-3, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nha Trang giảm 1% lãi suất nhiều khoản vay ngắn hạn như: cho vay thấu chi (14 xuống 13%/năm), cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo (13,5 xuống 12,5%), cho vay mua nhà dự án và mua ô tô (13,7 còn 12,5%)... Một số khoản vay trung và dài hạn đối với cho cán bộ, công nhân viên vay, cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, cho vay mua nhà dự án và mua ô tô, cho cán bộ quản lý, điều hành vay cũng giảm 0,7 hoặc 1%. Từ ngày 22-3, NH Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Khánh Hòa giảm lãi suất một số khoản vay như: Đối với tổ chức, kỳ hạn dưới 12 tháng các khoản vay thông thường giảm từ 13%/năm xuống 11%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 11,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng; với DN thuộc diện ưu tiên, giảm 0,5 - 1% lãi suất; lãi suất cho vay chứng khoán giảm từ 16%/năm xuống 14%/năm...


Tuy các NH đã giảm lãi suất cho vay, có nguồn vốn cho vay nhưng DN vay vốn không dễ. Bởi các NH đều xếp loại DN rất chặt chẽ. Theo bà Huỳnh Thị Phương, hiện nay, NH đang phải đi tìm khách hàng nhưng khách hàng muốn được vay phải đảm bảo đủ điều kiện. Bà Võ Thị Thu Hương, Trưởng phòng Tổng hợp NH TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nha Trang cho biết: “Hiện nay, NH đang phải tìm khách hàng để cho vay. Những trường hợp khách hàng không được vay, không tiếp cận được nguồn vốn của NH thường do không đủ điều kiện như: không chứng minh được mục đích kinh doanh, mục đích sử dụng vốn, kế hoạch giải ngân, kế hoạch trả nợ”. Ông Bùi Hòa Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp NH Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Khánh Hòa nhận định: “Hiện nay, đầu ra của các NH đang gặp khó khăn. Một số DN có nhu cầu vay vốn nhưng không được vay do nợ xấu, DN có giải trình thế nào NH cũng không dám cho vay. Trong khi đó, một số khách hàng được NH mời chào nhưng lại từ chối vì chưa biết dùng vốn như thế nào. Hiện nay, chỉ cho vay xuất khẩu vẫn là điểm sáng”.


K.N