23:16, 06/01/2025

Khơi thông nguồn lực về đất đai  

NGUYỄN VŨ

Tại Kỳ họp thứ 8 (diễn ra từ ngày 21-10 đến 30-11-2024), Quốc hội khóa XV đã thông qua 2 nghị quyết thí điểm, có hiệu lực từ ngày 1-4-2025, thực hiện trong 5 năm. Các nghị quyết đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc tại một số dự án, khu đất liên quan đến 3 địa phương, trong đó có tỉnh Khánh Hòa, góp phần khơi thông nguồn lực về đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những khó khăn, vướng mắc

Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng, đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, ngày 19-4-2024, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu phát triển tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh đến năm 2030 đạt gần 70,5 triệu m2 (tương đương 282.722 căn nhà); trong đó diện tích nhà ở thương mại gần 10,6 triệu m2 (tương đương 124.579 căn nhà). Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) và Luật Đất đai năm 2024 chưa quy định rõ việc triển khai dự án đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại trong trường hợp nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải là đất ở. Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có rất ít dự án đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại được triển khai (trừ các khu nhà ở thương mại nằm trong các dự án khu đô thị, khu dân cư có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở).

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: MẠNH HÙNG.
Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: MẠNH HÙNG

Một khó khăn khác là theo kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, trước đây, trên địa bàn tỉnh có 11 dự án được triển khai chưa tuân thủ quy định của pháp luật, dẫn đến áp dụng không đúng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nộp không đầy đủ các khoản nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước. Tuy Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo khẩn trương khắc phục các vi phạm này; đã định giá lại 4 dự án trong năm 2023, nhưng mới có 1 chủ đầu tư thống nhất nộp tiền chênh lệch. 7 dự án còn lại chưa xác định lại được giá đất do vi phạm xảy ra đã lâu, qua nhiều thời kỳ; chính sách, pháp luật đã thay đổi; chưa có quy định cụ thể để xử lý phù hợp. Tỉnh cũng khó khăn trong tìm đơn vị tư vấn xác định giá đất có chất lượng; nhiều đơn vị không muốn tham gia hoặc khó khăn trong xác định lại giá đất. Trong khi đó, nguồn lực từ các dự án, khu đất đang gặp vướng mắc lại là dư địa phát triển quan trọng của tỉnh. Không riêng Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng cũng bị vướng về vấn đề này.

Tập trung tháo gỡ 

Theo chỉ đạo tại Kết luận số 77, ngày 2-5-2024 của Bộ Chính trị, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết đã cơ bản giải quyết các vướng mắc của tỉnh khi thực hiện theo kết luận thanh tra, kiểm tra, làm cơ sở cho tỉnh tính lại giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu nộp ngân sách nhà nước các khoản nghĩa vụ tài chính của các dự án có vi phạm đủ điều kiện tiếp tục thực hiện.

Một góc huyện Cam Lâm. Ảnh: MẠNH HÙNG.
Một góc huyện Cam Lâm. Ảnh: MẠNH HÙNG

Cũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội còn ban hành Nghị quyết số 171 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (viết tắt là dự án thí điểm). Theo đó, tổ chức kinh doanh bất động sản thực hiện dự án thí điểm đáp ứng các điều kiện quy định trong nghị quyết trên được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với một, một số hoặc các loại đất sau để thực hiện dự án thí điểm: Đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa đất đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất. Nghị quyết số 171 có hiệu lực sẽ cho phép tổ chức kinh doanh bất động sản thực hiện được dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đối với các loại đất phù hợp với thực trạng sử dụng đất tại địa phương, từ đó giải quyết được vấn đề cấp thiết trước mắt về nhà ở cho người dân mà vẫn đảm bảo cân đối quỹ đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại khác.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Việc thực hiện các nghị quyết sẽ góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng thu ngân sách từ thuế, phí liên quan đến đất đai, giảm chi phí bồi thường, tái định cư và hạn chế khiếu nại, xung đột khi thu hồi đất. Nhà đầu tư có thể tiếp cận đất nhanh chóng, rút ngắn thời gian triển khai dự án, giải quyết vướng mắc trong sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn và địa phương khẩn trương phối hợp nghiên cứu, rà soát các dự án phù hợp với quy định của nghị quyết để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai. Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và UBND tỉnh. Bên cạnh 11 dự án vi phạm theo kết luận của thanh tra đã được nghị quyết tháo gỡ, trên địa bàn tỉnh còn một số dự án có vi phạm tương tự, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ xem xét, quy định cụ thể chính sách thực hiện đối với các dự án này nhằm khơi thông nguồn lực về đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

NGUYỄN VŨ