Khánh Sơn là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, với nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do chưa chủ động được nguồn nước tưới nên mỗi khi mùa khô đến, người dân lại lo thiếu nước tưới. Để đảm bảo an ninh nguồn nước, huyện Khánh Sơn rất cần được đầu tư các công trình hồ chứa nước, công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu.
Chưa chủ động được nguồn nước
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đến nay, Khánh Sơn đã phát triển trở thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, là thủ phủ cây ăn quả của tỉnh. Toàn huyện có khoảng 4.948ha cây nông nghiệp. Trong đó, diện tích cây hàng năm khoảng 1.944ha, cây lâu năm hơn 3.000ha. Trong diện tích trồng cây lâu năm, có 2.600ha sầu riêng và hàng trăm héc-ta các loại cây ăn quả khác, như: Măng cụt, chôm chôm, bưởi, mít… Tuy nhiên, thực tế đặt ra hiện nay đối với huyện là các công trình thủy lợi đa phần có quy mô nhỏ, chưa chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng.
Công trình hồ chứa nước đầu làng Ka Tơ đã thi công được 65% khối lượng. |
Theo báo cáo của UBND huyện, hiện nay, địa phương có 41 công trình thủy lợi hoạt động, nhưng chỉ là các đập và kênh mương nhỏ, trong đó có 19 công trình hoạt động không hiệu quả. Công suất tưới thiết kế của các công trình thủy lợi trên địa bàn khoảng 225ha, nhưng thực tế chỉ tưới cho khoảng 198ha, chủ yếu là cây hàng năm, chỉ mới đáp ứng được khoảng 4% nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Đối với 96% diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại chủ yếu sử dụng nước mưa hoặc người dân bơm nước tưới từ các sông, suối.
Ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho hay: “Cứ đến mùa khô, địa phương lại lo lắng về nguồn nước sinh hoạt và nước tưới cho cây ăn quả. Như mùa khô năm nay, xã Sơn Bình có đến 490ha sầu riêng, 8ha măng cụt, 68ha bưởi da xanh và nhiều diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp khác có nguy cơ thiếu nước tưới. Toàn xã chỉ có số ít diện tích cây trồng gần các sông, suối, người dân bơm nước mới chủ động được nước tưới; hàng trăm hec-ta cây trồng ở trên các đồi cao bị thiếu nước. Do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước tự nhiên nên các địa phương trên địa bàn huyện đều chung tình trạng thiếu nước tưới”.
Kiến nghị đầu tư nhiều công trình
Để chủ động một phần nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn huyện, gần đây, một số công trình hồ chứa nước đã và đang được triển khai. Đơn cử như hồ chứa nước đầu làng Ka Tơ đang được khẩn trương thi công để giải “cơn khát” cho vùng hạn Ba Cụm Nam. Hồ chứa nước đầu làng Ka Tơ có tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, quy mô công trình thủy lợi cấp III, dung tích toàn bộ 148.120m3, dung tích hữu ích 125.480m3. Công trình có các hạng mục chính, gồm: Hồ chứa, đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ, nhà quản lý và các hạng mục cấp nước sinh hoạt chính (trạm bơm nước thô, khu xử lý nước, đường ống cấp nước). Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đảm bảo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân toàn xã Ba Cụm Nam, nhất là các khu vực cao, xa như 2 thôn Suối Me và Ka Tơ. Đồng thời, chủ động nguồn nước tưới cho một phần diện tích sản xuất nông nghiệp của xã. Đến thời điểm này, công trình đã đạt 65% khối lượng thi công, dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành, tích nước.
Chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Sơn Trung đã được HĐND tỉnh thông qua năm 2021. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 265 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 180 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 85 tỷ đồng. Hồ chứa nước Sơn Trung có lưu vực 18,2km2; dung tích toàn bộ 2,74 triệu m3. Ngoài hồ chứa nước, dự án này còn có các hạng mục khác gồm: Đập đất dài 460m, chiều cao đỉnh đập 27m; tràn xả lũ có 2 cửa van bằng bê tông, cốt thép; cống lấy nước là cống tròn, có van đóng mở ở hạ lưu; hệ thống kênh cấp 1 dài 7km, hệ thống kênh cấp 2 dài 8km và hệ thống đường quản lý dài 0,9km… Hiện nay, dự án này được thực hiện các bước chuẩn bị để khởi công, xây dựng.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Khánh Sơn, địa phương định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng; chuyển từ nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp chất lượng cao, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững... Muốn vậy, việc đầu tư các công trình hồ chứa, thủy lợi để đảm bảo an ninh nguồn nước là tiền đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp của huyện. Trong giai đoạn 2021 - 2030, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có, địa phương còn đề nghị bổ sung vào quy hoạch phát triển thủy lợi đối với 13 công trình đập dâng trên sông Tô Hạp và hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Ngoài hồ chứa nước Sơn Trung và hồ chứa nước đầu làng Ka Tơ, huyện còn kiến nghị đầu tư xây dựng 9 công trình hồ chứa lớn, nhỏ để phục vụ đa mục tiêu.
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin