Trong giai đoạn phát triển mới, huyện Khánh Sơn tiếp tục xác định kinh tế nông nghiệp làm chủ lực. Do đó, huyện đang tập trung xây dựng và triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm mang lại hiệu quả cao.
Trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao
Về Khánh Sơn những ngày cuối tháng 6, cán bộ ngành Nông nghiệp huyện đưa chúng tôi tới những vườn trồng sầu riêng sai trĩu quả ở xã Sơn Bình và thị trấn Tô Hạp. Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa sẽ vào vụ thu hoạch sầu riêng, các nhà vườn bày tỏ vui mừng khi vụ mùa năm nay thuận lợi, hứa hẹn bội thu.
Vườn sầu riêng trồng xen măng cụt, tiêu của gia đình ông Bo Bo Khá. |
Cùng chúng tôi đi giữa vườn sầu riêng 4ha trồng xen canh với tiêu, măng cụt, ông Bo Bo Khá (thị trấn Tô Hạp) cho biết, để có kết quả như hôm nay, đó là nhờ ông áp dụng hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng dẫn từ các cán bộ chuyên môn của huyện. Trồng sầu riêng từ năm 2004, ban đầu, ông chỉ trồng tự phát vài chục cây xen lẫn với cà phê. Do cách trồng tự phát, không biết cách chăm sóc, cây cà phê trồng xen đã hút hết dưỡng chất của đất nên sầu riêng phát triển kém. Đến năm 2010, được sự hỗ trợ về giống của ngành Nông nghiệp huyện, ông Bo Bo Khá bắt đầu mở rộng diện tích trồng sầu riêng với những giống sầu riêng chất lượng hơn. Ông cùng các thành viên trong tổ hợp tác trồng cây ăn quả được tham gia các lớp học trồng, chăm sóc sầu riêng do huyện tổ chức. “Được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, tôi đã thay thế cây cà phê kém hiệu quả bằng cây măng cụt, tiêu. Khoảng cách trồng sầu riêng cách nhau 10m, tôi tận dụng đất để trồng xen măng cụt, tiêu. Đến nay, trên diện tích 4ha, tôi trồng 300 cây sầu riêng, 40 cây măng cụt, 50 cây tiêu. Việc trồng xen măng cụt, tiêu giúp che chắn ánh sáng, gió... để sầu riêng phát triển tốt hơn. Bên cạnh cây sầu riêng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, các loại cây khác giúp tôi tăng thêm thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm”, ông Khá chia sẻ. Tương tự, ông Cao Đạm (xã Sơn Bình) cho biết, năm 2009, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện, gia đình ông bắt đầu chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng sầu riêng xen canh bưởi, mít. Đến nay, trên diện tích 5ha với 300 cây sầu riêng, 200 cây bưởi, 50 cây mít mang lại cho gia đình ông thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm.
Vườn sầu riêng trồng xen bưởi, mía, tiêu của gia đình ông Cao Đạm, xã Sơn Bình. |
Ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, trong năm 2022, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ năm 2018 đến 2024, huyện đã tập trung chuyển đổi 1.500ha cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Huyện tập trung hỗ trợ kinh phí cho người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như: Sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt… Đồng thời, huyện xây dựng các mô hình mới như trồng các loại cây ăn quả chủ lực xen canh dứa, bắp lai năng suất cao, ổi trân châu, cây ba kích tím... cho hàng chục hộ dân; hỗ trợ phân bón để chăm sóc cây trồng cho 143 hộ dân. Nhờ đó, hiện nay, giá trị sản xuất bình quân đất canh tác nông nghiệp của huyện đạt 100 triệu đồng/ha.
Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, xác định kinh tế nông nghiệp là ngành chủ lực, những năm qua, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 350ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 34 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao; 15 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430ha. Việc nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả, mía tím theo tiêu chuẩn VietGAP hay ứng dụng công nghệ cao đã tạo được sự thay đổi trong kỹ thuật canh tác, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm được xem là tiền đề góp phần thay đổi tư duy của nhà quản lý, cũng như của người sản xuất về việc phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Ngành Nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong thay đổi thực trạng nông thôn của huyện, đời sống nhân dân được nâng lên.
Một góc vùng trồng sầu riêng ở huyện Khánh Sơn. |
Theo ông Nguyễn Quốc Đông, để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp và thu hút đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp thì phải chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Để đạt được mục tiêu đó, huyện đã và đang tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết tốt việc tổ chức sản xuất phù hợp với quy mô và đặc thù của từng địa phương, tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tạo nên các sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện; đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của địa phương; củng cố, phát triển hợp tác xã, tổ liên kết, thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông lâm sản trên địa bàn huyện; xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương theo chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, huyện tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; từng bước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
CHÍ TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin