21:44, 23/11/2023

Đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công

ĐÌNH LÂM

Thời gian để giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 không còn nhiều nên UBND tỉnh Khánh Hòa quyết liệt đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để phấn đấu hoàn thành giải ngân theo kế hoạch.

Tỷ lệ giải ngân còn thấp chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng

Năm 2023, UBND tỉnh đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công phải đạt từ 95% trở lên. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh mới đạt 53,9% so với vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 62,8% so với vốn của tỉnh giao. Trong đó, 11 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân của cả tỉnh. 

Đường dẫn vào đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang chưa thể thi công vì còn vướng mặt bằng.
Đường dẫn vào đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang chưa thể thi công vì còn vướng mặt bằng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân còn thấp, ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về khách quan, đối với các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục dạy nghề thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, tỉnh chưa thể triển khai thủ tục đầu tư do các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công quản lý để làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cho các dự án không có cấu phần xây dựng theo quy định của Luật Đầu tư công. Về nguyên nhân chủ quan, mặc dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo đối với công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh song công tác kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án vẫn còn chậm, kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; thủ tục đầu tư của các dự án triển khai không đạt tiến độ dẫn đến việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 bị chậm. Ngoài ra, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát và vốn vay lại của Chính phủ gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện rà soát, điều chỉnh và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án theo đúng khung chính sách của Ngân hàng Thế giới.

Nhà máy xử lý nước thải phía bắc TP. Nha Trang.
Nhà máy xử lý nước thải phía bắc TP. Nha Trang.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn bị chậm song các chủ đầu tư đều cho rằng, nguyên nhân chính khiến đầu tư công chưa triển khai đạt kế hoạch chủ yếu là do vướng giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Thanh Hiến - Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh cho biết, hầu hết dự án do đơn vị làm chủ đầu tư đều giải ngân đúng tiến độ, riêng Dự án Xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang không thể hoàn thành giải ngân vì vướng giải phóng mặt bằng. Do vướng giải phóng mặt bằng nên nhà thầu không thể thi công suốt mấy tháng qua. Đến cuối năm, dự kiến công trình này chỉ giải ngân được 38 tỷ đồng (khoảng 65% kế hoạch sau khi điều chỉnh vốn).

Khẩn trương giải ngân

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc thời điểm giải ngân vốn đầu tư công 2023 (31-1-2024), vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã liên tục tổ chức các cuộc họp, ban hành nhiều văn bản đốc thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện thi công các dự án đầu tư công; đồng thời tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. 

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công. Chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, phấn đấu giải ngân đạt 95% - 100% kế hoạch giao. “UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư chủ động làm việc với các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý, khắc phục các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, báo cáo UBND tỉnh đối với những nội dung vượt thẩm quyền để được xem xét, giải quyết kịp thời. Đối với các dự án có số vốn lớn, tỉnh giao các mốc hoàn thành cụ thể; yêu cầu tất cả các đơn vị phải quyết tâm ở mức cao nhất để thi công công trình, không để thời tiết và yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến tiến độ thi công” - đồng chí Lê Hữu Hoàng nhấn mạnh.

Nhằm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt hơn 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng chỉ đạo của cấp trên; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 nếu không đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

ĐÌNH LÂM