21:57, 09/10/2023

Phát triển sản phẩm OCOP ở Khánh Vĩnh: Tập trung khâu chế biến

V.L

Với đặc trưng của huyện miền núi, Khánh Vĩnh có nhiều nông sản có thể phát triển sản phẩm OCOP có chất lượng, tuy nhiên hiện nay, sản phẩm của địa phương chủ yếu vẫn là sản phẩm tươi, giá trị gia tăng thấp. Thời gian tới, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện sẽ tập trung vào khâu chế biến để phát triển các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. 

Chủ yếu chế biến thô

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn (thị trấn Khánh Vĩnh) thành lập năm 2020, chuyên sản xuất, mua bán nông sản của huyện, chủ lực là bưởi da xanh, cùng các sản phẩm phụ như: Yến sào, mật ong rừng. Theo bà Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc công ty, thị trường bưởi ngoài cung cấp trong nước, đơn vị còn xuất khẩu đi Singapore, Trung Quốc, châu Âu… Nông sản được công ty sơ chế, đóng gói (bao lưới, gắn nhãn truy xuất nguồn gốc) rồi xuất bán với sản lượng hơn 1.000 tấn/năm. Ngoài ra, công ty còn xuất bán từ 100 - 300kg yến sào/năm; 60 - 200 lít mật ong rừng/năm. Cả 3 sản phẩm nói trên đều được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận ISO 22000 (2023); riêng sản phẩm bưởi công ty đang làm hồ sơ xin xét chứng nhận đạt OCOP 3 sao năm 2023 của huyện. Tuy nhiên, các sản phẩm trên chỉ được sơ chế thô chứ chưa có hàm lượng chế biến tinh. Thời gian tới, công ty tập trung vào hướng chế biến tinh để đạt được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Từ bưởi da xanh, công ty sẽ sản xuất các mặt hàng như: Mứt, tinh dầu, nước ép bưởi... Tuy nhiên, để thực hiện được hướng đi này, công ty rất cần các chính sách hỗ trợ từ các cấp, ngành, địa phương để đầu tư kho bãi, dây chuyền sản xuất đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Bưởi Hiệu Linh chủ yếu sản xuất tươi
Sản phẩm bưởi da xanh của cơ sở Hiệu Linh chủ yếu sản xuất tươi.

Ông Đoàn Văn Hưởng - chủ hộ kinh doanh bưởi da xanh Hiệu Linh tại xã Khánh Thành cho hay, lâu nay, cơ sở chủ yếu sản xuất và bán bưởi da xanh tươi tại thị trường TP. Nha Trang và siêu thị Co.opmart. Tuy nhiên, quy trình chế biến bưởi vẫn ở dạng thô, chủ yếu chọn những quả đạt chất lượng, tiến hành phân loại, rửa sạch và đóng gói. Cơ sở đã thử nghiệm thành công các mặt hàng mang hàm lượng chế biến cao như: Tinh dầu bưởi, nước ép bưởi lên men và sẽ đưa vào sản xuất trong tương lai gần. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của cơ sở vẫn là nguồn vốn để sản xuất, bảo quản các loại sản phẩm mới...

Sẽ đẩy mạnh khâu chế biến

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh - cơ quan chủ trì, tham mưu việc đăng ký, đề xuất phát triển sản phẩm OCOP của huyện, từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP, gồm: Dưa lưới Ô xanh của Công ty TNHH Nông nghiệp bền vững Diệp Châu đạt 4 sao; bưởi da xanh của Hợp tác xã cây ăn quả Khánh Đông - 3 sao; bưởi da xanh Thái Tường của hộ kinh doanh Đặng Thái Luyện - 3 sao; bưởi da xanh Sơn Nguyên của hộ kinh doanh Sơn Nguyên - 3 sao; bưởi da xanh Hiệu Linh của hộ kinh doanh Đoàn Văn Hưởng - 3 sao; bưởi da xanh Việt Tấn của hộ kinh doanh bưởi da xanh Việt Tấn - 3 sao.

Sơ chế, đóng gói bưởi da xanh tại Công ty Ngân Nguyễn
Sơ chế, đóng gói bưởi da xanh tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn.

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay, chương trình OCOP của huyện ngày càng được các cấp, ngành, hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm, hưởng ứng. Từ chỗ chỉ có 1 sản phẩm đăng ký năm 2019, đến nay, chương trình đã có 10 sản phẩm đăng ký. Trong đó, có 6 sản phẩm đã được công nhận, 4 sản phẩm đang được các ngành xem xét, đánh giá năm 2023. Thông qua chương trình, các chủ thể hiểu rõ lợi ích, tác động của sản phẩm OCOP, từ đó ngày càng hoàn thiện sản phẩm tốt hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Tuy nhiên, sản phẩm tham gia chương trình hầu hết là sản phẩm tươi, chưa qua chế biến; chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết thấp; chưa chủ động trong khâu phân phối và tiếp thị sản phẩm, còn hạn chế trong xây dựng ý tưởng, phương án kinh doanh…

Để thúc đẩy chất lượng các sản phẩm OCOP, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực có tiềm năng của địa phương; tập trung đẩy mạnh khâu chế biến nhằm đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, vận động cơ sở sản xuất thay đổi tư duy bán hàng, đa dạng hóa kênh bán hàng dưới nhiều hình thức; xây dựng bộ nhận diện chung, chuẩn hóa văn hóa bán hàng OCOP; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại định kỳ hay gắn với các sự kiện lớn trên địa bàn tỉnh, huyện; kết nối các tour, tuyến du lịch kết hợp bán hàng OCOP, đưa khách tham quan, trải nghiệm vùng nuôi trồng, sản xuất...

V.L