21:14, 10/08/2023

Thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng

HỒNG ĐĂNG

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên các loại cây trồng chính và cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Khác với IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) chủ yếu là các giải pháp nhằm quản lý dịch hại cho cây trồng, phương pháp IPHM tập trung vào việc nâng cao sức khỏe cho cây trồng để tăng sức đề kháng chống chọi dịch hại. Kế hoạch của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, nông dân cơ bản hiểu rõ và áp dụng các phương pháp IPHM cho cây trồng chính, cây trồng chủ lực trên địa bàn.

Từ việc diệt trừ dịch hại... 

Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, theo quyết định của tỉnh, bên cạnh cây trồng chính là lúa, các cây chủ lực trên địa bàn tỉnh gồm có: Xoài, sầu riêng, bưởi, tỏi, mía tím và mía đường. Không chỉ nổi trội về diện tích, sản lượng, các cây trồng này còn mang lại thu nhập chủ yếu cho người nông dân. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 20.000ha đất trồng lúa, hơn 8.200ha xoài, hơn 1.500ha bưởi, gần 2.400ha sầu riêng, 450ha tỏi, gần 300ha mía tím và hơn 10.000ha mía đường. Những năm qua, cùng với việc nghiên cứu cải tiến giống, áp dụng các biện pháp canh tác khoa học, hiện đại nhằm từng bước nâng cao chất lượng, năng suất, nông dân còn áp dụng các giải pháp IPM trong quá trình chăm sóc cây trồng.

Giai đoạn 2023-2030, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trên các loại cây trồng chính và cây trồng chủ lực. Ảnh: Thiện Tâm

Chương trình đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp đã được triển khai trên cả nước trong gần 30 năm qua. Gần đây nhất là Đề án IPM giai đoạn 2015 - 2020, trên cả nước đã có hàng nghìn lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ được tổ chức nhằm tập huấn, đào tạo cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ bảo vệ thực vật, nông dân áp dụng các biện pháp IPM trên gần 3 triệu héc-ta cây trồng. IPM giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các phương pháp nhằm kiểm soát dịch hại để bảo vệ cây trồng. Tại Khánh Hòa, chương trình IPM được triển khai từ năm 1993. Đến nay, đã có hàng chục hộ nông dân tiếp cận và thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng. Chỉ tính riêng năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai 8 lớp huấn luyện nông dân về chương trình IPM và xây dựng 8 mô hình ứng dụng IPM trên các cây trồng chủ lực là sầu riêng, xoài, bưởi, tỏi. Việc huấn luyện nông dân những kiến thức,  kỹ năng về IPM, cùng với đó là triển khai các mô hình thực hành áp dụng IPM đã giúp cho nông dân học đi đôi với làm. Các lớp tập huấn và triển khai mô hình chủ yếu dành cho đội ngũ nông dân giỏi, để từ đó các nông dân có điều kiện nhân rộng, làm chủ quy trình và hướng dẫn các nông dân khác cùng thực hiện. 

...  đến nâng cao sức khỏe cây trồng

Để bảo vệ cây trồng theo hướng nội sinh, đáp ứng tổng thể cả 3 yêu cầu gồm: Bảo vệ sức khỏe người trồng trọt, đảm bảo nông sản sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, Chương trình IPHM được xây dựng và áp dụng. Theo ông Trần Thiện Hùng, IPHM là bước kế thừa và phát triển mới của IPM và sẽ thay thế IPM. Sự khác nhau giữa 2 chương trình nằm ở cách tiếp cận, trong khi IPM chủ yếu tập trung diệt trừ sinh vật gây hại, IPHM thiên về việc áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe của cây trồng để chống chọi tốt hơn với dịch bệnh. Trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp diệt trừ sinh vật gây hại, nhưng chủ yếu sử dụng thiên địch hoặc các giải pháp sinh học.

Nông dân Diên Khánh chăm sóc lúa
Nông dân Diên Khánh chăm sóc lúa. 

Theo cơ quan chuyên môn, các giải pháp IPHM hướng tới mang tính chất tổng quát, chủ yếu nhằm giúp cho đất khỏe, cây trồng khỏe mạnh, an toàn, sức đề kháng tốt, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường sinh thái… Đặc biệt là việc nâng cao trình độ hiểu biết của nông dân về dịch hại, đất, nước, cùng với đó là các giải pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, người nông dân còn có khả năng truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng, cho nông dân khác cùng áp dụng.

Theo Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên các loại cây trồng chính và cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 70% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM; trên 80% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả trong toàn tỉnh được ứng dụng IPHM; 70% diện tích cây trồng chủ lực của tỉnh tái cơ cấu nông nghiệp ứng dụng IPHM, qua đó giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học.

Theo ông Trần Thiện Hùng, để đạt được mục tiêu này, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi cục đang tập trung hoàn thiện tham mưu kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về IPHM; đào tạo, tập huấn cho các nông dân nòng cốt ứng dụng các kỹ thuật IPHM và hướng dẫn người sản xuất cùng ứng dụng. Cùng với đó, nhằm giúp cán bộ thực hiện kế hoạch và nông dân nắm vững kiến thức về IPHM, kế hoạch cũng tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trên các cây trồng chính, cây trồng chủ lực của tỉnh, làm cơ sở để nhân rộng ứng dụng IPHM trong thực tế sản xuất, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường mở rộng ứng dụng kỹ thuật giảm giá thành trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. 

HỒNG ĐĂNG