Sáng 12-8, tại TP. Nha Trang diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì. Cùng chủ trì có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Cùng tham dự hội nghị có ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thuộc vùng.
Chủ trì hội nghị |
Phát huy thế mạnh riêng của từng địa phương
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố; có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt, trong vùng có 3 tỉnh được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng về xây dựng, phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Khánh Hòa, Nghệ An, Thanh Hóa.
Mặc dù các tỉnh trong vùng có nhiều lợi thế song lại có nhiều điểm tương đồng, vì vậy, trong quá trình phát triển đã lộ ra nhiều bất cập. Ông Nguyễn Tấn Tuân đánh giá: “Việc thực hiện liên kết giữa tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung hiện nay còn một số khó khăn, như: Tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào…); trùng lắp các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp nên có sự cạnh tranh lẫn nhau; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu; tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ…”. Ông mong muốn thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, liên kết với Khánh Hòa trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là liên kết phát triển vùng trên các lĩnh vực du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, thủy sản, công nghiệp phụ trợ để cùng phát triển, tránh triệt tiêu lợi thế của nhau.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có nhiều lợi thế riêng nhưng nếu phát triển theo hướng “mỗi nơi làm mỗi kiểu”, không phân biệt cụ thể vai trò, vị trí, chức năng và thế mạnh riêng của mỗi địa phương thì sẽ vô tình triệt tiêu lợi thế của nhau và kìm hãm sự phát triển. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu thực trạng hệ thống giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu liên kết phát triển của các địa phương trong vùng; đồng thời đề nghị các địa phương cùng xác định rõ lợi thế riêng, chọn vấn đề để hỗ trợ, liên kết phát triển.
Đổi mới cơ chế điều phối vùng
Để các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có thể cùng phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước, coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. “Hội đồng vùng cần tăng cường tương tác, kết nối để tính toán, lựa chọn đâu là cơ chế thực chất và cần thiết nhất cho liên kết vùng. Nếu đề xuất những vấn đề trọng tâm mà được đa số các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ ủng hộ thì đó sẽ là những dự án trọng điểm, những vấn đề mà Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải tiếp thu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải đặt mục tiêu ít nhất đến cuối nhiệm kỳ này, người dân sẽ được thụ hưởng khi các cơ chế, chính sách do Hội đồng vùng đề xuất đi vào thực tiễn” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Ra mắt Hội đồng điều phối vùng. |
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã trình bày tham luận đề xuất những giải pháp để tạo sự phát triển đột phá cho các địa phương trong vùng. Trong đó, vấn đề liên kết vùng, phát huy thế mạnh của từng địa phương được đặc biệt quan tâm, coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để đẩy mạnh liên kết vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, như: Liên kết đưa những mặt hàng nông sản, thủy sản của các địa phương trong vùng tiêu thụ ở các thị trường lớn ngoài vùng, nhất là khu vực Tây Nguyên, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế biển và một số ngành, nghề khác; phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá để chia sẻ thông tin, tạo liên kết trong việc khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản; liên kết phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần tập trung khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, thủy điện tích năng và điện mặt trời; thúc đẩy thăm dò, phát triển, khai thác các mỏ khí trong vùng; xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu, năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi; Vân Phong - Khánh Hòa... Cùng với đó, cần ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho một số trường đại học, cao đẳng nghề trọng điểm ở các địa phương trong vùng, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đà Nẵng... để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ, nhất là các công nghệ cơ bản.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vai trò quan trọng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh… Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để từ đó thống nhất phương án hợp tác thiết thực, đảm bảo tạo động lực để cùng phát triển, tránh sự cạnh tranh, xung đột lợi ích. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu của vùng để các địa phương thuận tiện trong việc khai thác thông tin, từ đó đề xuất nội dung hợp tác phù hợp. Các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ những địa phương trong vùng thực hiện chương trình liên kết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Các thành viên trong Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nghiên cứu, xây dựng cơ chế hoạt động đảm bảo triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn; thí điểm lựa chọn những nội dung, mô hình liên kết đảm bảo việc liên kết phải mang lại hiệu quả thiết thực cho từng địa phương trong vùng; nhân rộng những mô hình liên kết mang lại hiệu quả và mang tính đặc thù, hấp dẫn, khác biệt vượt trội hơn so với các vùng, khu vực khác trong nước; nghiên cứu thành lập các tiểu vùng liên kết theo vị trí địa lý hoặc theo tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực. Cùng với đó, tham mưu Chính phủ ban hành quy hoạch vùng và phương án đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng, tránh đầu tư dàn trải, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững các ngành, nghề trọng điểm...
ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin