08:04, 10/08/2023

Siết chặt quản lý hoạt động thương mại điện tử

KHÁNH HÀ

Thời gian qua, việc thành lập website thương mại điện tử (TMĐT) để bán hàng hoặc đặt hàng trực tuyến ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh lại vi phạm các quy định liên quan đến website TMĐT, bị cơ quan chức năng xử phạt.  

Xử lý nhiều trường hợp vi phạm

Để phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tổ chức, cá nhân tích cực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc thành lập các website bán hàng hay cung ứng dịch vụ có chức năng đặt hàng trực tuyến. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân không nắm rõ những quy định liên quan về đăng ký với cơ quan chức năng khi thành lập, dẫn đến những hành vi vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra một số cơ sở kinh doanh, phát hiện 4 trường hợp vi phạm không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng, do đó đã bị xử lý theo quy định.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh trên đường Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang.

Cụ thể, giữa tháng 7, qua công tác quản lý địa bàn, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của một DN trên đường Phạm Văn Đồng (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang bày bán các mặt hàng như: Đồ hộp cá ngừ; lạp xưởng; xúc xích; bánh kẹo, ngũ cốc; nước giải khát các loại... Tuy nhiên, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở không treo biển hiệu DN tại địa điểm kinh doanh; sử dụng website TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến để bán hàng mà không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Công Thương. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản và xử phạt cơ sở này 70 triệu đồng. Trước đó, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội 2 - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Thanh Phong (đường Bạch Đằng, phường Tân Lập, TP. Nha Trang), phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1.091 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất nhưng chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng. Cục QLTT tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 47,5 triệu đồng; đồng thời, tịch thu 1.091 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hơn 231,5 triệu đồng.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong quản lý

Trên thực tế, việc kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi lẽ, hiện nay, với trình độ công nghệ thông tin ngày càng phát triển, một cá nhân có thể dễ dàng tự thiết lập và sử dụng website TMĐT vào hoạt động mua bán, kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, việc tra cứu danh sách các website TMĐT đã thông báo, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trên website http://online.gov.vn (Cổng thông tin quản lý TMĐT của Bộ Công Thương) còn ít thông tin, chưa đầy đủ; nhiều website được thiết lập do người khác đứng tên chủ sở hữu chứ không phải là chủ cơ sở nên việc xác định chủ sở hữu website gặp khó khăn. Đối với các website TMĐT đã thông báo, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, được gắn lên trang web chủ biểu tượng đăng ký, đường link được dẫn về nội dung phần thông tin đăng ký của thương nhân, tổ chức nhưng không thể hiện nội dung “thời gian thông báo, đăng ký” nên khó xác định được thời điểm vi phạm hành chính để xử phạt. Các đối tượng còn lập nhiều tài khoản bán hàng trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok hay sàn TMÐT..., khai báo thông tin, đăng ký hoạt động không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng…

Ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT theo quy định; có kế hoạch, phương án đấu tranh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, đơn vị sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn TMĐT; phối hợp với các cơ quan khác đang quản lý các DN có sàn giao dịch TMĐT lớn như: Lazada, Shopee, Tiki, Sen đỏ, Momo, Zalo… để đôn đốc, nhắc nhở các DN có các sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia kinh doanh bán hàng qua mạng trên các sàn giao dịch TMĐT… Lực lượng QLTT cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền quy định phải thông báo hoặc đăng ký website TMĐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng để các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định.

KHÁNH HÀ