Sáng 4-8, Hội nghị tổng kết chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022, triển khai kế hoạch OCOP năm 2023 đã được tổ chức. Hàng trăm đại biểu là lãnh đạo các sở ngành, địa phương và chủ thể đã về dự.
Năm 2022, toàn tỉnh có 80 sản phẩm của 51 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP ở 4 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược và thủ công mỹ nghệ. Qua kết quả đánh giá, phân hạng của Hội đồng OCOP tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận đối với 58 sản phẩm của 32 chủ thể đạt 3 sao OCOP trở lên. Trong đó có 1 sản phẩm rong nho tách nước Trí Tín (Ninh Hòa) được UBND tỉnh phê duyệt kết quả chấm điểm đạt 5 sao, trình Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp Trung ương xem xét công nhận sản phẩm OCOP quốc gia đối với rong nho Trí Tín. Đồng thời, tỉnh quyết định công nhận 12 sản phẩm đạt 4 sao và 45 sản phẩm đạt 3 sao. Sau khi được công nhận, các sản phẩm đều đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, tham gia các sự kiện, hội chợ xúc tiến thương mại trên cả nước.
Trao quyết định của UBND tỉnh phê duyệt kết quả chấm điểm đạt 5 sao cho chủ thể của sản phẩm rong nho Trí Tín |
Năm 2023, toàn tỉnh có 120 sản phẩm của 72 chủ thể đăng ký tham gia chương trình. Tổng kinh phí thực hiện chương trình năm 2023 là 16,152 tỷ đồng, trong đó có 13,231 tỷ đồng ngân sách tỉnh, còn lại là vốn đối ứng của các chủ thể. Đến nay, chương trình đang tập trung triển khai các bước theo Chu trình OCOP để tiến hành đánh giá, phân hạng.
Các đại biểu tham quan gian hàng OCOP bên lề Hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã cùng nhau trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai. Đặc biệt, các chủ thể đã gặp gỡ, trao đổi với PGS-TS Trần Văn Ơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển Dược khoa, người được xem là kiến trúc sư trưởng của Chương trình OCOP quốc gia về những định hướng, cách thức, giải pháp để các sản phẩm OCOP phát triển đúng hướng, mang lại giá trị gia tăng và trở thành một định hướng phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.
H.Đ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin