Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng và đạt được nhiều kết quả. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân giỏi, đoàn kết giúp nhau cùng phát triển.
Nhiều tấm gương nông dân giỏi
Những năm gần đây, qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh có hàng chục nghìn nông dân giỏi các cấp. Có thể kể đến nông dân Lê Quang Toàn (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) có doanh thu hàng năm 6 - 9 tỷ đồng từ 15ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt. Nông dân Bùi Sơn Hồng (xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm) với mô hình kinh doanh dịch vụ khách sạn, sinh thái vườn kết hợp bán sản phẩm từ xoài…, thu nhập hơn 1,8 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động. Hay nông dân Lê Văn Nhân (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) có doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm từ trồng lúa, xoài cát Hòa Lộc xen canh đu đủ, ớt, nuôi cá nước ngọt và 12 máy cày, máy gặt lúa liên hợp chuyên cung cấp dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa cho nông dân…
Nông dân giỏi Mai Văn Khang (huyện Khánh Sơn) chăm sóc sầu riêng. |
Năm 2022, tại Hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, Khánh Hòa có nông dân Phan Kiến Nghĩa (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. 4 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen, gồm: Phạm Thị Thuận (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh); Lê Minh Quyền (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang); Hồ Tấn Cường (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) và Cao Nhâm (xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh). Đó là những nông dân làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp, sản xuất kinh doanh chế biến hải sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp kết hợp dịch vụ và mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò kết hợp dịch vụ nông nghiệp. Các mô hình có quy mô thu nhập từ 1,2 đến 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động và giúp đỡ nhiều hộ khác thoát nghèo. Năm 2023, nông dân Phan Kiến Nghĩa được chọn là 1 trong 5 điển hình tiên tiến, tiêu biểu của tỉnh tham gia Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc.
Giúp nhau cùng phát triển
Không chỉ chăm lo cho kinh tế gia đình, các hội viên, nông dân giỏi còn đóng góp rất nhiều công sức cho thôn xóm, làng xã, khu vực mình sinh sống cùng phát triển. Đã có hàng tỷ đồng tiền đóng góp, hàng chục nghìn ngày công lao động được nông dân giỏi chung tay, góp sức trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng". Mỗi tấm gương nông dân giỏi còn trợ giúp cây con giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, vốn đầu tư ban đầu cho một số hộ khác trong vùng để cùng nhau vươn lên.
Với các cấp hội, việc xây dựng mô hình kinh tế mới, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp là một kênh để tập hợp, đoàn kết nông dân cùng nhau thi đua sản xuất giỏi. Chẳng hạn như ở thị xã Ninh Hòa có mô hình trồng nấm ứng dụng công nghệ cao theo hướng VietGAP ở xã Ninh Hưng; mô hình vỗ béo bò ở xã Ninh Thọ; sản xuất snack nấm bào ngư của nông dân Nguyễn Hữu Lộc, phường Ninh Diêm; mô hình phun thuốc bằng máy bay không người lái ở các xã: Ninh Sim, Ninh Thượng, Ninh Đông; sản xuất cây hẹ ở xã Ninh Đông; trồng bưởi da xanh ở các xã: Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Trung, Ninh Sơn…
Điểm chung của các mô hình nói trên là mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước cho các hộ tham gia, qua đó giúp họ từng bước thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Đơn cử như mô hình trồng hẹ ở thôn Phước Thuận, xã Ninh Đông. Do trồng lúa không hiệu quả, một vài hộ dân thôn Phước Thuận đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng hẹ cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhờ hiệu quả, nên chỉ từ vài nghìn mét vuông ban đầu, diện tích hẹ vùng này tăng lên nhanh chóng, đến nay đã lên tới 5ha. Hội Nông dân thị xã đã vận động thành lập Tổ hợp tác sản xuất hẹ thôn Phước Thuận, đồng thời hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân 300 triệu đồng cho 10 hộ vay. Qua tính toán, 1 năm nông dân nơi đây làm được 10 vụ hẹ, thu nhập trên 1ha của cây hẹ có thể đạt tới 200 triệu đồng, gấp 10 lần so với trồng lúa.
Theo bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, giai đoạn tới, các cấp Hội Nông dân tiếp tục tập trung vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, xây dựng các vùng sản xuất có quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình kinh tế gắn với hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, công nghệ cao, sản xuất gắn với khai thác và sử dụng tài nguyên, môi trường một cách bền vững..., lấy nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Giai đoạn 2018 - 2023, bình quân hàng năm, toàn tỉnh có gần 65.000 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân giúp cho 31.000 lao động có việc làm thường xuyên; giúp hơn 4.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo về giống cây trồng, vật nuôi, 4.500 tấn phân bón, 55.000 ngày công lao động… với tổng trị giá hơn 16 tỷ đồng. Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho hơn 1.100 hộ hội viên, nông dân thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống ổn định và từng bước vươn lên làm giàu.
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin