10:02, 12/02/2023

Khánh Vĩnh: Bùng phát bệnh nấm trên cây keo

Bệnh nấm trên cây keo đang lây lan mạnh trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Tuy chỉ là bệnh thông thường nhưng việc xử lý bệnh rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của cây.

Bệnh nấm trên cây keo đang lây lan mạnh trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Tuy chỉ là bệnh thông thường nhưng việc xử lý bệnh rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của cây.

 

Thiệt hại nặng


Dọc theo những con đường liên thôn, liên xã của các xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Thành, Cầu Bà…, những rẫy keo 1-3 năm tuổi xuất hiện hiện tượng vàng lá rải rác. Cùng cán bộ xã Khánh Đông đi kiểm tra các cánh rừng keo, chúng tôi thấy hai bên đường bê tông của thôn Suối Sâu, những vạt keo trồng vài năm tuổi đều bị nhiễm bệnh, khiến cây chết khô. Đi sâu vào bên trong càng thấy nhiều cây keo trơ trọi những cành khô. Phần lớn những vạt keo bị bệnh nằm ở độ dốc thấp, cạnh những con suối, nhiều cánh rừng trồng keo đang ủ bệnh, vàng vọt…

 

Cán bộ xã Khánh Đông kiểm tra cây keo nhiễm bệnh.

Cán bộ xã Khánh Đông kiểm tra cây keo nhiễm bệnh.


Bà Trần Thị Ánh Tuyết (thôn Suối Sâu) - chủ vườn keo cho hay, bệnh xuất hiện lác đác từ khi cây được 1 năm tuổi nhưng sau Tết Nguyên đán mới biểu hiện rõ. Lúc đầu, cây vàng lá, sau đó xuất hiện những đốm đen trên thân và nhanh chóng lan rộng, khiến cây héo dần, chết khô. Lý giải nguyên nhân, bà và hầu hết những người trồng keo đều cho rằng, năm 2022, trời mưa nhiều, đặc biệt là vào cuối năm khiến độ ẩm tăng, bệnh bùng phát mạnh. Hiện nay, 3,4ha keo 1,5 năm tuổi của bà Tuyết đã bị nhiễm bệnh, lây lan tới 70-80%, khả năng thiệt hại lên tới 60-70 triệu đồng.


Ông Nguyễn Xuân Mạnh (thôn Suối Sâu) rất nóng ruột khi 3,7ha keo (loại 1,5 năm tuổi) của mình bị bệnh nấm lan rộng. Ông Mạnh tính thuê người xử lý nhưng đành thôi bởi bệnh đã lan tràn, có xử lý cũng không hiệu quả. Ông Mạnh ước tính sẽ mất khoảng 100 triệu đồng cho đợt trồng keo này.

 

Những đồi keo đã bị nhiễm bệnh.

Những đồi keo đã bị nhiễm bệnh.


Ven đường liên thôn Đá Bàn (xã Cầu Bà), chúng tôi cũng thấy lác đác những vạt keo vàng vọt. Ông Hà Mướt (thôn Đá Bàn) lo lắng vì diễn biến bệnh quá nhanh. Mấy năm trước, bệnh cũng xuất hiện nhưng sau đó tự biến mất; nay bệnh bùng phát, toàn bộ rẫy keo của ông khoảng 1ha bị bệnh rất nặng, nhiều cây chết khô, mức độ nhiễm 80-90%.


Xác định nguyên nhân


Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây có thể là bệnh nấm hồng do nấm Corticium salmonicolor gây ra, thường xuất hiện vào mùa mưa. Khi độ ẩm cao, nấm lây lan và xâm nhiễm vào cây qua gió và nước. Dự báo trong thời gian tới, bệnh tiếp tục phát sinh và gây hại. Qua kiểm tra sơ bộ, bệnh gây hại trên cây keo lai tại huyện Khánh Vĩnh với diện tích khoảng 60ha, tập trung ở những cây 1-3 năm tuổi.


Ông Mạnh cho rằng, ngoài mưa nhiều, độ ẩm cao khiến bệnh lây lan nhanh, còn do chất lượng giống kém. Hiện nay, để xử lý bệnh nấm trên cây keo không hề đơn giản. Với cây keo 2-3 năm tuổi, thân đã vươn cao 4-5m, không có bình phun nào có thể phun thuốc tới ngọn. Trong trường hợp diện tích keo nhiễm bệnh lớn, việc đốt bỏ để xử lý triệt để mầm bệnh cũng rất khó khăn vì các vườn keo đều nằm ở độ dốc khá cao, khó tìm được mặt bằng rộng để đốt bỏ. Nếu không đốt bỏ thì mầm bệnh vẫn còn, dễ phát sinh trên các lứa cây trồng tiếp theo. Còn theo ông Cao Thanh Phi - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Đông, trước đây, bệnh nấm từng xuất hiện trên cây keo nhưng nhẹ nên một số người dân chủ quan, không xử lý. Hiện nay, bệnh diễn biến nặng, lan rộng, rất khó xử lý.


Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, huyện đã nhận được văn bản của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn việc phòng, chống bệnh nấm trên cây keo. Huyện đang phối hợp lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm để bảo đảm chính xác nguyên nhân gây bệnh, đồng thời chỉ đạo các địa phương thống kê diện tích thiệt hại do nấm để có kế hoạch phòng, chống bệnh trong thời gian tới.

 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân nên trồng cây keo với mật độ thích hợp; khơi thông mương rãnh vùng thấp, trũng; nên tuyển chọn cây keo giống có xuất xứ rõ ràng và khả năng kháng bệnh tốt; sử dụng cưa hoặc kéo tỉa cành để tạo vết cắt sắc gọn, hạn chế lây lan nguồn bệnh; không nên chăn thả trâu bò trong rừng keo dưới 3 năm tuổi để hạn chế bệnh nấm xâm nhiễm. Đồng thời, tiêu hủy cây bị bệnh nặng không còn khả năng phục hồi, xử lý vôi bột vùng gốc, rễ cây để ngăn chặn lây lan. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ bệnh như: Copper Gold 47WP, Curenoxoc 85WP, Vizincop 50WP, Champion 77WP, Anvil® 5 SC, Fovathane 80WP… Lưu ý phun trị khi bệnh còn nhẹ, đúng nồng độ và đủ liều lượng; sau khi phun thuốc phải kiểm tra, nếu chưa khỏi bệnh thì tiếp tục phun nhắc lại cho đến khi khỏi bệnh, chu kỳ phun thuốc 10 - 14 ngày/lần.


Vĩnh Lạc