Với cách làm khoa học, chặt chẽ, hợp lý, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân TP. Cam Ranh trong năm qua đã phát huy vai trò trợ lực cho hội viên phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Với cách làm khoa học, chặt chẽ, hợp lý, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân TP. Cam Ranh trong năm qua đã phát huy vai trò trợ lực cho hội viên phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Kênh vốn hiệu quả
Hợp tác xã Trồng táo Cam Thành Nam là mô hình kinh tế tập thể hiệu quả ở Cam Ranh. Các hộ trồng táo đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc áp dụng quy trình VietGAP, xây dựng thương hiệu và hình thành kênh phân phối khá bài bản. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng lên, mỗi héc-ta táo có thể mang về thu nhập cho nông dân lên tới 300 triệu đồng/năm. Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi thành viên trong hợp tác xã, còn có sự đồng hành, trợ lực từ phía các cấp Hội Nông dân.
Theo bà Dương Nữ Duy Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cam Ranh, hơn 40ha táo của hội viên, nông dân xã Cam Thành Nam thường xuyên bị ruồi vàng làm hại quả. Việc phun xịt thuốc trừ ruồi không mang lại hiệu quả, mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, người trồng đã xây dựng nhà lưới để bảo vệ trái táo khỏi sinh vật gây hại. Tuy nhiên, mỗi héc-ta nhà lưới cần khoảng 150 triệu đồng, đây là số tiền lớn đối với hầu hết người trồng táo. Do đó, Hội Nông dân Việt Nam đã tạo điều kiện cho hợp tác xã vay 800 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để xây dựng nhà lưới ngăn chặn ruồi vàng và các sinh vật gây hại, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm. Nhờ được đầu tư, sản lượng mỗi héc-ta táo tăng từ 0,5 tấn lên 0,8 tấn, đồng thời giảm chi phí tiền công và thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới.
Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội cũng đã giải ngân 300 triệu đồng cho Tổ hợp tác Sửa chữa ghe thuyền Cam Phúc Nam, tạo điều kiện cho tổ hợp tác đầu tư thêm máy móc, thiết bị để mở rộng và nâng cấp các dịch vụ sửa chữa ghe, thuyền. Nhờ đó, lượng khách hàng của tổ hợp tác tăng lên, đưa doanh thu của tổ bình quân khoảng từ 1 tỷ đồng/năm trước đây lên 1,5 tỷ đồng trong năm 2022.
Năm qua, Tổ hợp tác Nuôi cua thương phẩm xã Cam Lập vay 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh để đầu tư thêm con giống, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng doanh thu từ 3,5 tỷ đồng/2 vụ/năm lên 4,5 tỷ đồng/2 vụ/năm. Tổ hợp tác Nuôi tôm hùm lồng xã Cam Bình được vay 400 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân TP. Cam Ranh để đầu tư thêm con giống, lồng nuôi; qua đó nâng doanh thu từ 5 tỷ đồng/vụ/năm lên 8 tỷ đồng/vụ/năm
Tiếp tục phát huy
Theo lãnh đạo Hội Nông dân TP. Cam Ranh, năm qua, hội đã giải ngân kịp thời, đúng đối tượng vay. Các dự án vay vốn được xây dựng từ những mô hình sản xuất hiệu quả, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp với mục đích giúp cho các hộ tham gia dự án cùng phát triển, tăng năng suất trong trồng trọt, chăn nuôi...
Để phát huy hiệu quả của nguồn vốn, năm qua, Hội Nông dân thành phố phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức 12 buổi tập huấn, xây dựng 6 mô hình trình diễn, 1 lớp dạy nghề, 2 lớp tập huấn kỹ năng bán hàng online và chuyển đổi số trong nông nghiệp dành cho các đơn vị có sử dụng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, các cấp hội đã chú trọng quảng bá, hỗ trợ hội viên tiêu thụ nông sản, hàng hóa thông qua nhiều kênh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, như: Hướng dẫn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, phiên chợ nông sản. Qua đó, nhiều mặt hàng, sản phẩm của hội viên nông dân Cam Ranh đã được người tiêu dùng biết đến, như: Tôm hùm Cam Lập, xoài sấy dẻo Top-Food, táo Cam Thành Nam; thịt dê thương phẩm Cam Thịnh Đông; hải sản khô Cam Bình...
Theo bà Dương Nữ Duy Hiền, trong thời gian đến, các cấp hội nông dân TP. Cam Ranh tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ Hỗ trợ nông dân, góp phần thực hiện tốt phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững”. Trong đó, ưu tiên xem xét hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ đúng đối tượng; các dự án phù hợp tình hình thực tế, có tính khả thi cao, các mô hình kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị.
Bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Những năm qua, nguồn vốn cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, Hội Nông dân TP. Cam Ranh là điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân gắn với hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân năm 2022.
|
Hồng Đăng