Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có buổi làm việc với Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (đơn vị quản lý Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1) để nắm bắt tình hình triển khai xây dựng. Đồng thời, kiểm tra các công trình giải tỏa công suất cho nhà máy nhiệt điện nhằm đảm bảo phục vụ truyền tải điện an toàn, hiệu quả.
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có buổi làm việc với Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (đơn vị quản lý Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1) để nắm bắt tình hình triển khai xây dựng. Đồng thời, kiểm tra các công trình giải tỏa công suất cho nhà máy nhiệt điện nhằm đảm bảo phục vụ truyền tải điện an toàn, hiệu quả.
Sẽ phát điện trong quý III/2023
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Điện lực Vân Phong, đến nay, tổng tiến độ công trình Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đạt 87%, bám sát kế hoạch đề ra. Đầu năm 2023, chủ đầu tư sẽ vận hành thử nghiệm và hiệu chỉnh thiết bị. Dự kiến, tháng 8-2023, tổ máy 1 sẽ vận hành thương mại và tháng 12-2023 sẽ vận hành tổ máy 2. Đến nay, tổng vốn đầu tư nhà máy đã lên tới 2,58 tỷ USD. Theo kế hoạch, khi cả 2 tổ máy với tổng công suất 1.320MW đi vào vận hành sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 9 tỷ kWh. Lượng điện này được truyền tải lên Trạm biến áp 500kV Vân Phong và hòa vào đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân.
Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Điện lực Vân Phong cho biết: “Thời gian qua, EVN và Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, cùng các đơn vị khác đã hỗ trợ đảm bảo cung cấp điện phục vụ triển khai xây dựng công trình, hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện đảm bảo tiến độ. Mới đây, công trình Trạm biến áp 500kV và đấu nối (do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư) đã hoàn thành đóng điện vượt tiến độ 27 ngày, là động lực để công trình nhà máy nhiệt điện tăng tốc thi công. Với việc hoàn thành trạm biến áp này sẽ đảm bảo cung cấp điện cho nhà máy vận hành thử nghiệm trước khi vận hành thương mại”.
Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN đánh giá cao những cố gắng của chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Thời gian qua, chủ đầu tư đã điều hành triển khai thi công bám sát tiến độ; trong quá trình thực hiện luôn phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin kịp thời về tiến độ xây dựng nhà máy tới EVN để thực hiện đồng bộ với công trình lưới điện truyền tải. Hiện nay, các công trình truyền tải điện của EVN đáp ứng được yêu cầu hợp đồng BOT đã ký kết. Tổng Giám đốc EVN cũng cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư nhà máy để đảm bảo mục tiêu vận hành thương mại nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước từ năm 2023.
Gấp rút hoàn thành, đảm bảo chất lượng công trình
Đến thời điểm hiện tại, công trình Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đang chuẩn bị bước vào giai đoạn chạy thử nhiệm. Do đó, các công trình truyền tải điện để giải tỏa công suất cho nhà máy được xác định phải gấp rút hoàn thành và đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Bởi nếu EVN không đảm bảo điều kiện truyền tải thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hợp đồng BOT đã ký trước đây của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Công Thắng - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) khẳng định, công trình Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối, cùng công trình Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân là trọng điểm của quốc gia. Khi đi vào vận hành sẽ truyền tải toàn bộ công suất từ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 lên lưới truyền tải điện quốc gia; đồng thời, tạo liên kết mạnh giữa hệ thống điện lưới 220kV miền Trung với lưới 500kV, giải tỏa lượng lớn công suất năng lượng tái tạo khu vực các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, sẽ tối ưu hóa sản xuất - truyền tải điện trong vận hành hệ thống điện quốc gia. “Chính vì thế, thời gian qua, PTC3 đã phối hợp với các cấp, ngành, chủ đầu tư, đơn vị thi công bám sát góp ý từng khâu, từng công việc trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án, xây dựng công trình. Trong đó, công tác theo dõi, giám sát, nghiệm thu, thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm định thiết bị… luôn được PTC3 coi trọng để đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất” ông Thắng cho hay.
Để chuẩn bị tiếp nhận và vận hành toàn bộ các công trình truyền tải điện cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, gần 1 năm nay, PTC3 đã tuyển dụng, đào tạo đội ngũ có trình độ cao, đào tạo các chức danh vận hành để sẵn sàng tiếp nhận dự án. Đặc biệt, lực lượng này được trực tiếp theo dõi, nghiên cứu trong quá trình thi công đấu nối, lắp đặt để nắm bắt tình hình hoạt động của thiết bị. Ngoài ra, PTC3 huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục theo quy định để đóng điện công trình vào vận hành thử nghiệm. PTC3 đã điều động lực lượng từ các truyền tải trực thuộc, như: Truyền tải điện Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng để hỗ trợ Truyền tải điện Ninh Thuận, Khánh Hòa trong công tác nghiệm thu. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các quy trình vận hành thiết bị; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy và làm việc với đơn vị phòng cháy, chữa cháy để sẵn sàng hỗ trợ trong quá trình đưa công trình vào vận hành.
Theo báo cáo của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, công trình Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối đã hoàn thành đóng điện vào ngày 28-11, sẵn sàng vận hành thử nghiệm cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Phần đường dây 500kV đấu nối Trạm biến áp 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đã lắp dựng xong các vị trí cột, đang kéo dây một khoảng cột còn lại. Công trình đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đến nay đã bàn giao toàn bộ 304/304 vị trí móng và khoảng cột; đã hoàn thành đào đúc móng, dựng cột được 302 vị trí, đang dựng 2 vị trí còn lại; các nhà thầu đã kéo dây được 114/156,3 km, đang kéo dây đồng bộ các vị trí cột còn lại; phấn đấu hoàn thành công trình trong những ngày còn lại của năm 2022. |
NHẬT MINH