Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chiếm số lượng lớn, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù về quy mô và tiềm lực nên việc thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của các DN gặp khó khăn, rất cần các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ.
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chiếm số lượng lớn, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù về quy mô và tiềm lực nên việc thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của các DN gặp khó khăn, rất cần các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ.
Chậm tham gia chuyển đổi số
Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong số 25 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số trên cả 3 khía cạnh: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Để đạt được mục tiêu, việc thúc đẩy chuyển đổi số trong DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh có 10.445 DN đang hoạt động. Tuy nhiên, việc tham gia quá trình chuyển đổi số của các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm bởi nhiều thách thức như: DN nhận thức chưa đầy đủ về chuyển đổi số; lo lắng về chi phí, nhân lực công nghệ, bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh… Nhiều DN gặp khó khăn trong việc xác định hướng đi, lộ trình cụ thể để chuyển đổi số. Chính vì thế, việc hỗ trợ các DN nhỏ và vừa chuyển đổi số rất cần thiết, giúp DN xác định được vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số, nhận diện được mình đang ở giai đoạn nào của quá trình chuyển đổi số…
Bà Lê Thị Xinh Xinh - Giám đốc Công ty TNHH Tổng hợp Kim Thủy (phường Phước Hải, TP. Nha Trang, chuyên sản xuất kinh doanh các lĩnh vực chế biến, bảo quản thủy sản; dệt may; bán buôn các sản phẩm nông - lâm sản…) chia sẻ, lâu nay, DN vẫn vận hành theo phương thức sản xuất và kinh doanh trực tiếp là chủ yếu, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ để quản lý, điều hành, quảng bá, kinh doanh vẫn còn hạn chế. Hiện tại, DN mới sử dụng phần mềm báo cáo thuế qua mạng Internet, sử dụng mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng. DN có nhu cầu về chuyển đổi số nhưng chưa nắm bắt được cách thức thực hiện, vì vậy rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề này.
Định hướng cho doanh nghiệp
Trên thực tế, rất nhiều DN nhỏ và vừa có nhu cầu về chuyển đổi số nhưng lại lo lắng về mặt chi phí, bởi nói tới chuyển đổi số là nói tới công nghệ, hạ tầng kỹ thuật nên rất tốn kém. Cùng với đó là những mối băn khoăn về tính hiệu quả; trong khi đó, việc định lượng lợi ích thực hiện chuyển đổi số rất khó. Về cơ bản, việc thực hiện chuyển đổi số vẫn do tự thân DN quyết định, Nhà nước chỉ có thể giúp định hướng chuyển đổi số của DN được tốt hơn.
Thời gian qua, các bộ, ngành và tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các DN nâng cao nhận thức về vấn đề này; định hình và hoạch định được chiến lược chuyển đổi số phù hợp với điều kiện của mình; lộ trình chuyển đổi số cho DN… Giữa tháng 5, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyển đổi số, trong đó có chương trình chuyển đổi số cho 250 DN nhỏ và vừa. Các DN được giới thiệu chương trình, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; tìm hiểu các nền tảng chuyển đổi số… Tháng 8, UBND tỉnh tổ chức sự kiện TechFest 2022 với hơn 20 hoạt động, trong đó có nội dung giới thiệu công cụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mới nhất, Cục Phát triển DN (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức buổi tập huấn với chủ đề: Tầm nhìn và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa. Hơn 200 DN trên địa bàn tỉnh đã tham gia chương trình. Buổi tập huấn cung cấp cho các DN những kiến thức tổng quan về chuyển đổi số; ảnh hưởng của chuyển đổi số đến hoạt động kinh doanh của DN; các giai đoạn chuyển đổi số cho DN một cách toàn diện. “Thời gian qua, DN đã thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số vẫn chưa thể triển khai do gặp khó khăn về kinh phí, nhất là vấn đề xác định mục tiêu chuyển đổi số còn chưa rõ ràng. Vậy nên, DN rất cần được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp hỗ trợ, cung cấp những ứng dụng dịch vụ dùng chung”, ông Tạ Kinh Đông - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ du lịch NDƯ (Nha Trang) cho biết.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ nhiệm tư vấn cấp cao Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng: “DN nhỏ và vừa muốn thực hiện chuyển đổi số nên bắt đầu từ những dự án ngắn hạn, với chi phí đầu tư nhỏ. Để chuyển đổi số thành công, điều quan trọng là DN phải xác định được mục tiêu; những thay đổi cần có để đạt được mục tiêu; cuối cùng mới là việc sử dụng công nghệ”.
Giang Đình