Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa liên tục tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, thu hút đầu tư và tạo ra các nguồn thu mới cho ngân sách.
Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa liên tục tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, thu hút đầu tư và tạo ra các nguồn thu mới cho ngân sách.
Còn nhiều vướng mắc
Hiện nay, các CCN Trảng É 1, Trảng É 2 (TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm), CCN Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng. Trong đó, CCN Sông Cầu (do Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa làm chủ đầu tư) đã thi công xong các hạng mục theo hồ sơ thiết kế và được nghiệm thu. Đến nay, có 6 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký thuê 25,4ha đất (chiếm 91% diện tích đất cho thuê) của CCN này. Vướng mắc mà CCN này đang gặp phải là việc Nhà nước áp dụng chính sách cho thuê đất thu tiền hàng năm (trước đây cho thuê dài hạn và thu tiền 1 lần) đã khiến cho các nhà đầu tư thứ cấp phải cân nhắc khi đầu tư.
CCN Trảng É 1 (do Tổng Công ty Khánh Việt làm chủ đầu tư) đã hoàn thiện hạ tầng và có 11 nhà đầu tư thứ cấp đầu tư, lấp đầy 100%. CCN Trảng É 2 đã xong thiết kế hạ tầng; có 1 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký thuê 3ha (tỷ lệ lấp đầy 10,5%). Hiện nay, CCN Trảng É 2 đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đến nay, huyện Cam Lâm vẫn chưa ban hành được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho giai đoạn 2, làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư hạ tầng. Ngoài ra, cả CCN Trảng É 1 và Trảng É 2 đều gặp khó khăn tương tự như CCN Sông Cầu chính là vấn đề thuê đất trả tiền hàng năm. Hình thức thuê đất như vậy khó thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Các dự án CCN: Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) và Diên Thọ (huyện Diên Khánh) lại vướng về ranh giới. Đối với Dự án CCN Ninh Xuân, sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) thì phát hiện ranh giới quy hoạch chi tiết CCN do chủ đầu tư đề xuất không phù hợp với ranh giới CCN được xác định tại báo cáo thành lập CCN Ninh Xuân. Do đó, UBND thị xã Ninh Hòa không có cơ sở để tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Tương tự, Dự án CCN Diên Thọ có diện tích 22,2ha, nhưng sau khi cắm mốc và tính toán lại theo thực tế, tổng diện tích CCN chỉ còn gần 19ha, có sự sai lệch so với quyết định chủ trương đầu tư đã cấp.
Tháo gỡ để thu hút đầu tư
Ông Phan Hoài Phương - Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco kiến nghị: “Lãnh đạo tỉnh cần sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho chủ đầu tư kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN. Công ty kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với tất cả diện tích CCN Trảng É 1 và Trảng É 2; đồng thời chỉ đạo huyện Cam Lâm và các cơ quan liên quan sớm hoàn tất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (giai đoạn 2) để chi trả, giải phóng mặt bằng đối với CCN Trảng É 2 trong năm 2022, tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai thi công”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh lại phương án từ thuê đất trả tiền hàng năm sang phương án trả tiền một lần. “Bởi nếu nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trả tiền hàng năm thì sẽ không thể sử dụng phần dự án đang thuê đất làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Điều này gây cản trở cho các nhà đầu tư trong huy động vốn và gây bất lợi cho CCN trong thu hút đầu tư”, ông Hải nói.
Để sớm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh đã liên tục có chỉ đạo cho các sở, ngành và địa phương liên quan giải quyết. Đối với vấn đề thuê đất hàng năm, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tổng hợp kiến nghị của chủ đầu tư để trình UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Ông cũng chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan hỗ trợ chủ đầu tư trong thực hiện các dự án CCN. Đối với vướng mắc trong ranh giới, lãnh đạo tỉnh giao UBND thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh rà soát, đánh giá, điều chỉnh ranh giới các CCN theo đúng hiện trạng và cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của các địa phương. Ông cũng đề nghị Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa sớm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cho CCN Sông Cầu vào cuối tháng 10. Trong đó, lưu ý phải chọn nhà đầu tư thứ cấp sản xuất thân thiện với môi trường và có các hỗ trợ nhà đầu tư về tuyển dụng lao động, tín dụng…
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Ưu tiên lớn nhất hiện nay của tỉnh là sớm thu hút đầu tư, triển khai xây dựng và đưa các CCN vào hoạt động. Đây là giải pháp hữu hiệu và bền vững để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra các nguồn thu mới, giải quyết việc làm cho lao động ở các địa phương. |
ĐÌNH LÂM