09:09, 29/09/2022

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

UBND tỉnh Khánh Hòa và các chủ đầu tư đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công để phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công của năm 2022.

UBND tỉnh Khánh Hòa và các chủ đầu tư đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công để phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công của năm 2022.


Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ giải ngân


Tính đến đầu tháng 9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 38,4% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 39,5% so với kế hoạch vốn UBND tỉnh giao thực tế. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, đến ngày 25-9, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh giải ngân được gần 1.800 tỷ đồng, đạt 47,48% so với tổng vốn được giao, xếp thứ 52/114 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương… Tuy tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn so với trung bình của cả nước (46,7%) nhưng so với cam kết của tỉnh với Chính phủ là hết tháng 9-2022, tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 65% thì tỷ lệ này vẫn còn thấp.

 

Thi công Nhà máy xử lý nước thải phía bắc - một hạng mục thuộc  Dự án Môi trường bền vững  các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang.

Thi công Nhà máy xử lý nước thải phía bắc - một hạng mục thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang.


Ông Châu Ngô Anh Nhân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa như mong đợi. Về khách quan, hiện nay, một số dự án trên địa bàn huyện Cam Lâm ngừng triển khai để rà soát lại về quy hoạch nhằm tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước; việc thu tiền sử dụng đất của huyện Cam Lâm không thực hiện được theo kế hoạch giao đầu năm đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án.


Đối với Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang, ngoài việc áp dụng các chính sách bồi thường hỗ trợ chung theo quy định của pháp luật còn được áp dụng khung chính sách riêng của dự án cũng gây khó khăn trong việc giải ngân. Ngoài ra, do thay đổi quyết định về việc phê duyệt giá cây trồng nên các phương án bồi thường hỗ trợ trước đây đã được thông qua phải chỉnh sửa; một số hộ dân bị ảnh hưởng chưa phối hợp; Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án khác nên chưa đáp ứng được tiến độ cấp bách đề ra hiện nay…

 

Thi công đường D30 (TP. Nha Trang).

Thi công đường D30 (TP. Nha Trang).


Một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn nhưng do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân còn chậm nên tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp. Mặc dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo đối với công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn tỉnh, nhưng công tác kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án vẫn còn chậm, kéo dài thời gian ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.


Quyết liệt triển khai các giải pháp


Để hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn. Trong đó, lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân có liên quan. Đối với các dự án vướng mắc về công tác bồi thường giải tỏa và quy hoạch, sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở quản lý chuyên ngành, các địa phương nơi thực hiện dự án và các đơn vị có liên quan khẩn trương xử lý kiến nghị và báo cáo tình hình thực hiện, kết quả xử lý định kỳ vào ngày 13 và ngày 27 hàng tháng cho đến khi kiến nghị được xử lý dứt điểm. Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các thành viên Tổ tư vấn đôn đốc đẩy nhanh vốn đầu tư công làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tiến độ giải ngân thấp để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hướng xử lý.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thời gian vừa qua, các chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng trong giải ngân vốn đầu tư công, song tiến độ vẫn chưa đảm bảo. Để đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ giải ngân, ông yêu cầu các chủ đầu tư dự án đốc thúc đơn vị thi công tranh thủ thực hiện phần việc trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Đặc biệt, TP. Nha Trang là nơi tập trung nhiều công trình lớn. Do đó, thành phố cần sớm hoàn thành các khu tái định cư cho người dân. Đây là công việc rất quan trọng, chỉ khi có đủ hạ tầng tái định cư mới có thể đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trong thời gian vừa qua.


Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải có những giải pháp quyết liệt hơn. Ông cũng yêu cầu các cơ quan, đoàn thể chung tay vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để Nhà nước thực hiện dự án. Đối với những trường hợp đã áp dụng mọi chính sách và nhiều lần vận động nhưng vẫn cố tình không chịu bàn giao mặt bằng thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo việc thi công đúng tiến độ.

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Tất cả các chủ đầu tư phải có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để đạt tỷ lệ giải ngân Chính phủ giao. Đối với các công trình, đặc biệt là công trình trọng điểm phải đảm bảo tiến độ thi công. UBND tỉnh sẽ không gia hạn cho bất cứ công trình nào chậm tiến độ. Nếu cuối năm dự án nào không hoàn thành giải ngân thì tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Các dự án đã có mặt bằng thi công phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ; những phần đã thi công xong phải khẩn trương thanh quyết toán. Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra thực tế tại các dự án để báo UBND tỉnh nhằm có hướng chỉ đạo tiếp theo.


ĐÌNH LÂM