Những trận mưa gió lớn liên tiếp đầu tháng 8 đã gây thiệt hại nặng nề cho cây lúa hè thu ở huyện Vạn Ninh ngay vào thời điểm lúa trĩu hạt. Nông dân trên địa bàn huyện, nhất là khu vực Tu Bông năm nay kém vui vì phải chịu cảnh thiệt đơn, thiệt kép.
Những trận mưa gió lớn liên tiếp đầu tháng 8 đã gây thiệt hại nặng nề cho cây lúa hè thu ở huyện Vạn Ninh ngay vào thời điểm lúa trĩu hạt. Nông dân trên địa bàn huyện, nhất là khu vực Tu Bông năm nay kém vui vì phải chịu cảnh thiệt đơn, thiệt kép.
Nhiều héc-ta lúa bị đổ ngã
Trên xứ đồng Bầu Nổ của xã Vạn Phước, chúng tôi gặp bà Huỳnh Thị Sáu đang thẫn thờ nhìn đám lúa bị đổ ngã. “Năm nay, lúa phát triển rất đẹp, trổ bông đều, tôi ước tính năng suất không dưới 80 tạ/ha. Nhưng rồi khi lúa sắp chín, mưa lớn làm lúa ngã rạp, nước mưa ngập ruộng còn khiến hạt lúa gần như hư hại hoàn toàn. Nhiều hộ chăn vịt đã làm việc với gia đình tôi để mua lúa ngã đổ, rồi lùa vịt xuống ruộng ăn. Chứ lúa đang non, gặt lên cũng không thu được bao nhiêu” - bà Sáu cho biết.
Ông Nguyễn Hùng - Chủ tịch UBND xã Vạn Phước cho biết, năm nay, điều kiện thời tiết, nước tưới rất thuận lợi cho cây lúa hè thu phát triển. Nhưng thời điểm sắp sửa thu hoạch, 2 đợt mưa lớn kèm theo gió mạnh xảy ra vào đầu tháng 8 đã khiến hơn 100ha trong số 300ha lúa hè thu của nhân dân trong xã bị ngã đổ, ngập úng. Đây là khu vực chịu nhiều mưa gió, nhưng 10 năm qua, chưa bao giờ mưa gió lại gây hư hại nặng nề đối với cây lúa như vụ này.
Trên hầu hết các xứ đồng ở khu vực Tu Bông của huyện Vạn Ninh, nhất là các đồng lúa của nông dân xã Vạn Phước, Vạn Long và Vạn Thọ đều chịu chung cảnh lúa hư hại do mưa gió. Theo lãnh đạo UBND xã Vạn Long, chỉ tính riêng cơn mưa, gió lớn bất thường vào ngày 1-8, đã có hơn 20ha lúa của nông dân bị hư hại. Trong đó, có 10ha ngập sâu trong nước, gần như bị hư hỏng hoàn toàn. Tình trạng lúa ngã đổ, hư hại cũng xảy ra ở các xã Vạn Phú, Vạn Bình, những địa phương trọng điểm về diện tích sản xuất lúa của huyện Vạn Ninh.
Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, qua nắm bắt tình hình, trên địa bàn huyện, nhất là các xã cánh bắc, mưa to kèm theo gió lớn đã ảnh hưởng đến hàng trăm hec-ta lúa hè thu của nông dân. Các xã đã và đang tiếp tục tổ chức thống kê, xác định thiệt hại để phòng tổng hợp, tham mưu UBND huyện xem xét có hướng hỗ trợ cho người dân theo quy định.
Thiệt đơn thiệt kép
Qua thống kê sơ bộ, trong số 2.777ha lúa hè thu tại Vạn Ninh, đến nay, nông dân đã thu hoạch được 2/3 diện tích, năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 58 tạ/ha, giảm 2 tạ/ha so với vụ hè thu trước. Riêng các xã khu vực Tu Bông, nhiều diện tích lúa năng suất chưa đầy 50 tạ/ha. Theo ông Nguyễn Hùng, thông thường, lúa hè thu trên cánh đồng Vạn Phước cho năng suất 76-78 tạ/ha, nhưng năm nay, các diện tích bị ngập úng, may lắm chỉ được 60% con số đó, thậm chí nhiều diện tích không thu được. Cụ thể, trong số hơn 100ha lúa bị ngã đổ của xã Vạn Phước, có đến 60ha không thu hoạch được do lúa còn non hoặc bị ngâm nước nhiều ngày, nông dân buộc phải bán cho các hộ nuôi vịt, các hộ này lùa vịt xuống ruộng để “tận thu” lúa. Đối với những diện tích ngã đổ nhưng lúa đã chín, có thể thu hoạch nhưng chi phí cao hơn khá nhiều so với ruộng thông thường.
Theo bà Nguyễn Thị Đông Trang, hộ cung cấp dịch vụ gặt lúa ở Vạn Ninh, năm trước, chi phí thu hoạch 1 sào lúa (500m2) là 100.000 đồng. Năm nay, do giá nhiên liệu tăng cao nên phổ biến 120.000 đồng/sào. Riêng các đám ruộng bị ngã đổ, chi phí thu hoạch 160.000 đồng/sào. Trao đổi với một số hộ nông dân đang thu hoạch lúa trên xứ đồng Gò Hàu của xã Vạn Phước, chúng tôi được biết, năm nay, chất lượng lúa không được đẹp lắm. Do đó, các thương lái mua tại ruộng chỉ với giá 5.500 - 5.700 đồng/kg, thấp hơn năm trước 200-300 đồng/kg.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết diện tích lúa bị thiệt hại rơi vào những giống lúa cũ, chẳng hạn như ML202. Người dân địa phương cho rằng, giống lúa này đặc biệt thích hợp sản xuất ở vùng Tu Bông khi năng suất luôn cao hơn so với nhiều giống lúa khác.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ý, hiện nay, huyện đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển đổi một số giống lúa mới như: ANS 1 (An Sinh 1399), TBR 97, Đài Thơm 8… Những giống lúa này có ưu điểm nổi trội hơn giống lúa ML202 như: cho năng suất, chất lượng cao, cứng cây, ít đổ ngã, kháng được một số sâu bệnh hại, thích ứng được với điều kiện ngoại cảnh. Đến nay, đã có gần 50% diện tích trồng lúa trên địa bàn người dân chuyển đổi sang sản xuất các giống lúa mới này. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân triển khai nhân rộng các giống lúa mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, một số xã cũng đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed - Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên tổ chức hợp đồng bao tiêu đối với các sản phẩm lúa giống, lúa thương phẩm cho nông dân với sản lượng thu mua hàng năm đạt 150 tấn.
Hồng Đăng