11:08, 17/08/2022

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

Tại hội nghị sơ kết công tác quản lý, bảo vệ rừng được UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới...



 

 

Tại hội nghị sơ kết công tác quản lý, bảo vệ rừng được UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới...


Các đơn vị chủ rừng gặp khó


Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa được giao quản lý, bảo vệ 53.476ha rừng và đất rừng, trong đó có 39.704ha rừng tự nhiên, còn lại là diện tích rừng trồng và đất quy hoạch lâm nghiệp. Theo ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, khó khăn lớn nhất của đơn vị là quỹ đất quy hoạch chức năng rừng sản xuất hiện nay rất lớn, lên đến 7.317ha, trong đó có khoảng 3.400ha đủ điều kiện để trồng rừng sản xuất, còn 2.578ha khó tổ chức trồng rừng vì Nhà nước không đầu tư cho trồng rừng sản xuất. Trong khi đó, việc xã hội hóa trong lĩnh vực này gặp khó vì không thực hiện liên doanh, liên kết trồng rừng; nhiều diện tích đất trống sau khai thác để kéo dài nhiều năm, người dân vào lấn chiếm…

 

6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ phá rừng trái pháp luật, với tổng diện tích thiệt hại hơn 20,2ha; 2 vụ khai thác rừng trái pháp luật với tổng khối lượng bị khai thác 11.866m3; tình trạng lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất có xu hướng gia tăng…

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa bảo vệ hiện trường diện tích rừng trồng bị người dân lấn chiếm.


Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cũng được giao quản lý hơn 40.983ha rừng, đất rừng. Bên cạnh nỗi lo bị phá rừng, khai thác rừng trái phép, công ty còn đối diện với tình trạng người dân có nương rẫy xen kẽ chặt phá, lấn chiếm đất rừng. Đây cũng là tình trạng chung đối với Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.


Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, việc quản lý diện tích chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất của các đơn vị chủ rừng chưa mang lại hiệu quả thiết thực, tình trạng người dân canh tác, xâm canh, lấn chiếm đất rừng diễn ra phức tạp nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Một số đơn vị chủ rừng thiếu kiểm tra, giám sát; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chưa thường xuyên tuần tra, truy quét để bảo vệ rừng từ gốc. Các đơn vị chủ rừng thiếu nhân lực bảo vệ rừng chuyên trách, trong khi công tác phối hợp giữa các chủ rừng với chính quyền cấp xã và các lực lượng chức năng chưa hiệu quả…


Thực hiện đồng bộ các giải pháp


Từ thực tế trên, các đơn vị chủ rừng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, nghiêm minh các trường hợp vi phạm; đẩy nhanh tiến độ cắm mốc phân định ranh giới đất sản xuất của người dân với lâm phận của các đơn vị chủ rừng nhà nước; thu hồi những diện tích quy hoạch rừng sản xuất của các đơn vị chủ rừng nhà nước quản lý không hiệu quả, giao cho địa phương quản lý, giao cho các hộ sử dụng ổn định, lâu dài; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, đào tạo nâng cao trình độ cho lực lượng này…

 

Ông Đỗ Anh Thy cho rằng, thời gian tới, các đơn vị chủ rừng nhà nước, chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Đối với chính quyền địa phương, tập trung thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Lực lượng kiểm lâm phối hợp tốt với các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các đơn vị chủ rừng tăng cường bảo vệ rừng từ gốc, có biện pháp quản lý rừng hiệu quả bền vững; xử lý nghiêm các cá nhân thiếu trách nhiệm để rừng, đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm…


Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị chủ rừng, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, các đơn vị chủ rừng cần quản lý chặt chẽ, xử lý dứt điểm những trường hợp mới bị lấn chiếm; rà soát xác định cụ thể số hộ, thời gian canh tác đối với những diện tích trong lâm phận của các đơn vị mà người dân đang canh tác để có hướng xử lý; tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng từ gốc. Các đơn vị chức năng khác tập trung hỗ trợ để bảo vệ rừng, khi phát hiện các vi phạm phải điều tra các đối tượng vi phạm để xử lý dứt điểm, nghiêm minh. Ông cũng yêu cầu các lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng phải tập trung tối đa cho công tác phòng, chống cháy rừng; nghiên cứu phương án trồng rừng, chuyển giao một số diện tích đất rừng cho địa phương quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp…

 

6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ phá rừng trái pháp luật, với tổng diện tích thiệt hại hơn 20,2ha; 2 vụ khai thác rừng trái pháp luật với tổng khối lượng bị khai thác 11.866m3; tình trạng lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất có xu hướng gia tăng…


HẢI LĂNG