11:08, 17/08/2022

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi: Tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ

5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, hỗ trợ nhau cùng phát triển, đóng góp dựng xây quê hương.

5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, hỗ trợ nhau cùng phát triển, đóng góp dựng xây quê hương.


Nhiều nông dân xuất sắc tiêu biểu


Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, giai đoạn 2017-2022, đã có nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào nông dân SXKD giỏi. Tiêu biểu như: Ông Lê Quang Toàn (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) có thu nhập hàng năm 9 tỷ đồng từ 15ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt. Ông Bùi Sơn Hồng (xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm) thu nhập hơn 4,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 43 lao động từ các dịch vụ mua bán xoài, vận tải, khách sạn... Ông Lê Văn Nhân (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm từ trồng lúa, xoài cát Hòa Lộc xen canh đu đủ, ớt, nuôi cá nước ngọt và 12 máy cày, máy gặt lúa liên hợp chuyên cung cấp dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa cho nông dân. Bà Phạm Thị Thuận (xã Vạn Phú, Vạn Ninh) với mô hình sản xuất chả cá đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, mang về doanh thu bình quân 15 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động tại địa phương…


Cùng với quá trình chăm lo sản xuất, nông dân còn thể hiện sức sáng tạo thông qua cải tiến máy móc, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động. Chẳng hạn như nông dân Trần Đức Mạnh (xã Suối Hiệp, Diên Khánh) đoạt giải nhì cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp Trung ương với giải pháp “Chế tạo máy cuộn rơm và tận thu gốc rạ”; nông dân Lê Duy Vũ (xã Diên Sơn, Diên Khánh) đoạt giải ba cấp Trung ương với giải pháp “Kỹ thuật nuôi ong dú lấy mật”; nông dân Nguyễn Dăng (thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh) đạt giải nhì cấp tỉnh với giải pháp “Cải tạo máy gặt đập liên hợp”; nông dân Trần Văn Lía (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) với rất nhiều sáng tạo đã được tặng danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” vào năm 2019.


Bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, giai đoạn 2017-2022, bình quân mỗi năm có hơn 67.000 lượt hội viên, nông dân đăng ký nông dân SXKD giỏi các cấp, chiếm 74% số hộ nông nghiệp. Kết quả, từ năm 2017 đến năm 2021, toàn tỉnh có hơn 62.000 hộ nông dân giỏi các cấp, trong đó có 157 hộ nông dân giỏi cấp Trung ương, 1.804 hộ nông dân giỏi cấp tỉnh.


Giúp nhau cùng phát triển

 

Giai đoạn 2022-2027, các cấp hội phấn đấu hàng năm có 80% trở lên hộ nông dân đăng ký tham gia và có hơn 50% số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Mỗi hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh trở lên giúp đỡ ít nhất 1 hộ nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo. 100% hộ hội viên nông dân SXKD nông sản, thực phẩm đăng ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Tinh thần đoàn kết, trợ giúp nhau cùng phát triển là một trong những hoạt động thường xuyên, rộng khắp và có chất lượng trong đời sống, sản xuất của nông dân trong tỉnh. 5 năm qua, các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân giúp 30.000 lao động có việc làm thường xuyên; giúp hơn 4.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo về giống cây trồng vật nuôi, 3.500 tấn phân bón, 35.000 ngày công lao động… tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng. Nhờ đó, đã có 1.300 hộ nông dân thoát nghèo. Cũng thông qua vận động và sự đóng góp của hội viên, nông dân, đã có 30 căn nhà đoàn kết nông dân được xây dựng, trị giá mỗi căn từ 40 đến 60 triệu đồng.


Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, các nông dân còn có đóng góp thiết thực, hiệu quả cho xã hội. 5 năm qua, nông dân đã đóng góp hơn 34.000 ngày công lao động để tham gia duy tu bảo dưỡng hơn 450km đường giao thông nông thôn và nâng cấp hơn 490km đường nội đồng. Đặc biệt, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã hiến 150.000m2 đất, xây dựng hơn 400 công trình mang tên Hội 14-10.


Bà Hà Hồng Hạnh cho biết, bên cạnh những thành quả, 5 năm qua, vẫn còn một số cơ sở hội chưa kịp thời phát hiện, tổng kết, nhân rộng những nhân tố mới, mô hình mới điển hình tiên tiến của phong trào; một số hộ nông dân chưa phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia phong trào, chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2022 - 2027, các cấp hội nông dân tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào nông dân SXKD giỏi; tập trung vận động nông dân lao động sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, dịch vụ tạo ra sản phẩm có giá trị và khả năng cạnh tranh cao, góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, gắn với thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường.


Hồng Đăng