10:08, 29/08/2022

Nuôi tôm hùm thương phẩm: Định hướng phát triển bền vững

Nghề nuôi tôm hùm thương phẩm đã phát triển mạnh tại các vùng nuôi trong tỉnh Khánh Hòa, như: Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Trang, Ninh Hòa. Tuy nhiên, nghề này đang gặp nhiều khó khăn. Ngành Thủy sản tỉnh đang định hướng phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng theo hướng bền vững, gắn với xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Nghề nuôi tôm hùm thương phẩm đã phát triển mạnh tại các vùng nuôi trong tỉnh Khánh Hòa, như: Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Trang, Ninh Hòa. Tuy nhiên, nghề này đang gặp nhiều khó khăn. Ngành Thủy sản tỉnh đang định hướng phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng theo hướng bền vững, gắn với xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.


Nhiều thách thức


Trên địa bàn TP. Cam Ranh có khoảng 45.000 lồng nuôi tôm hùm. Tôm hùm xanh là đối tượng nuôi chủ lực của người dân địa phương. Những năm gần đây, người nuôi tôm tại địa phương này liên tục gặp khó khăn về tôm giống bởi phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; trong quá trình nuôi, tỷ lệ hao hụt nhiều, đến khi xuất bán thì đầu ra bấp bênh. Ông Nguyễn Đình Thanh nuôi tôm ở vùng biển phường Cam Linh (Cam Ranh) chia sẻ: “Mỗi vụ, gia đình tôi thả nuôi 2.000 con tôm xanh, toàn bộ tôm giống mua của doanh nghiệp nhập khẩu tôm giống từ Indonesia, được kiểm dịch an toàn. Tuy nhiên, 3-4 năm qua, tôm nuôi chậm lớn, trong quá trình nuôi hao hụt nhiều, có những vụ nuôi tỷ lệ hao hụt lên đến 20-30%, nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm vùng nuôi, dịch bệnh. Từ năm 2021 đến nay, người nuôi lại gặp khó khăn hơn khi thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá bán rất thấp, có thời điểm tôm hùm xanh loại 1 chỉ 500-550 nghìn đồng/kg, nếu hao hụt nhiều thì người nuôi cầm chắc thua lỗ”.   

 

Tôm hùm bông được người dân nuôi trên vùng biển Vạn Thạnh  (huyện Vạn Ninh). Ảnh BKH

Tôm hùm bông được người dân nuôi trên vùng biển Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh). Ảnh BKH


Ngoài những khó khăn như trên, vùng nuôi tôm hùm lồng huyện Vạn Ninh gặp thách thức khi các vùng mặt nước được phép nuôi thủy sản bằng lồng bè chỉ mới đảm bảo được 1/3 nhu cầu của người nuôi. Tình trạng lồng bè gỗ chen chúc trên các vùng nuôi dẫn đến nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiệt hại do mưa bão. Ông Ngô Hữu Đức nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh) chia sẻ: “Tuy chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 12 năm 2017 nhưng người dân vẫn sử dụng lồng bè gỗ truyền thống để nuôi tôm hùm thương phẩm. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền người nuôi chuyển đổi sang sử dụng lồng chất liệu HDPE để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, gấp 7-8 lần so với lồng bè gỗ truyền thống, người nuôi không thể đầu tư được. Đây cũng là rào cản đối với việc phát triển nuôi tôm hùm thương phẩm bền vững hiện nay”.


Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Nghề nuôi tôm hùm lồng thương phẩm phát triển mạnh ở các vùng nuôi: Vạn Ninh, Cam Ranh, Nha Trang, Ninh Hòa. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 21.320 lồng nuôi tôm hùm, năm 2017 có 40.620 lồng thì nay đã lên đến 63.400 lồng, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài phát triển, nghề nuôi tôm hùm lồng trên địa bàn tỉnh đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Tại hội thảo về phát triển nghề nuôi tôm hùm do Tổng cục Thủy sản tổ chức tại TP. Nha Trang mới đây, các chuyên gia đều chung nhận định, nghề nuôi tôm hùm lồng tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức lớn, như: Con giống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khai thác tự nhiên, nhập khẩu; công nghệ nuôi lạc hậu, chưa kiểm soát được dịch bệnh; rủi ro từ thức ăn tươi sống gây ô nhiễm vùng nuôi; thị trường tiêu thụ chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên thiếu bền vững… Muốn nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển phải tháo gỡ những nút thắt này.


 Tìm hướng đi bền vững


Để phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên biển, trong đó có nghề nuôi tôm hùm thương phẩm, ngành Thủy sản tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đến năm 2030. Trên cơ sở đánh giá lại thực trạng, tiềm năng nuôi tôm hùm thương phẩm, đề án còn nghiên cứu địa điểm nuôi tôm hùm, công nghệ nuôi phù hợp, thích ứng với biển đổi khí hậu và hiện đại; cùng với đó tập trung quan trắc môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát triển dịch vụ hậu cần, tạo đầu ra ổn định cho người nuôi… Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển nói chung, nuôi tôm hùm thương phẩm nói riêng, ngành thủy sản đang tham mưu chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho lao động trên các bè, phương tiện nuôi thủy sản, hỗ trợ bảo hiểm rủi ro thiên tai cho chính thủy sản nuôi.


Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành nuôi tôm hùm thương phẩm là ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, an toàn, hiệu quả bền vững; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi, một trong những vấn đề trọng tâm đặt ra là phải ổn định đầu ra cho tôm hùm. Thực tế, việc tiêu thụ tôm hùm thương phẩm thời gian qua hơn 85% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, phần còn lại phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Việc mua bán tiểu ngạch mang lại rủi ro rất lớn cho người nuôi tôm hùm, bị thương lái ép giá, nợ gối đầu kéo dài… Ngoài ra, khi Trung Quốc áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về điều kiện nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vào thị trường này thì việc mua bán tiểu ngạch càng khó khăn hơn, mặt hàng tôm hùm cũng bị ảnh hưởng nặng nề.


Ông Võ Khắc Én cho biết: “Để phát triển nghề nuôi tôm hùm thương phẩm một cách bền vững thì phải gắn xuất khẩu mặt hàng này theo đường chính ngạch. Hiện nay, một số đơn vị xuất khẩu theo con đường này. Tuy nhiên, thị trường đòi hỏi nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm… Vì vậy, trong thời gian tới, chi cục sẽ tập trung hướng dẫn người dân nuôi theo đúng vùng quy định được phép nuôi, có đăng ký, kê khai đầy đủ; hướng dẫn người nuôi áp dụng quy trình nuôi an toàn, truy xuất rõ nguồn gốc giống, hình thành chuỗi liên kết doanh nghiệp - người nuôi để ổn định đầu ra”.


HẢI LĂNG