Sau hơn 3 tháng đồng loạt ra quân cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện 100 vụ vi phạm với tổng trị giá hàng hóa hơn 3,1 tỷ đồng.
Sau hơn 3 tháng đồng loạt ra quân cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện 100 vụ vi phạm với tổng trị giá hàng hóa hơn 3,1 tỷ đồng.
Phát hiện 100 vụ vi phạm
Theo báo cáo của Cục QLTT tỉnh, từ cuối tháng 12-2021 đến nay, đơn vị đã chủ trì, phối hợp thực hiện 172 lượt kiểm tra, phát hiện 100 vụ vi phạm. Lực lượng chức năng đã xử lý 102 vụ (có 2 vụ tồn từ trước), tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 3,1 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 558 triệu đồng; buộc tiêu hủy 159,5kg bơ, chà bông, 325 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, 20 hộp dược phẩm và một số hàng hóa thiết yếu khác (trị giá hơn 48 triệu đồng). Đồng thời, tịch thu 783 bao thuốc lá điếu các loại; 1.102 đơn vị sản phẩm dụng cụ cơ khí; 2.465 đơn vị sản phẩm đồ dùng gia đình; 24 bộ đồ chơi trẻ em; 84 nồi hấp inox (trị giá 77 triệu đồng).
Đặc biệt, qua kiểm tra phương tiện lưu thông, đơn vị đã phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 79C-150.32 do ông Huỳnh Trung Tập (phường Phước Tân, TP. Nha Trang) điều khiển, vận chuyển 22 thùng carton, trong đó có 180kg yến nguyên liệu và 150kg bột dụ yến, trị giá hàng hóa gần 2,4 tỷ đồng nhưng không có nhãn, hóa đơn, chứng từ và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đơn vị đã trình UBND tỉnh xử phạt với số tiền 126 triệu đồng. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện 657 lượt giám sát, triển khai cho 186 cơ sở kinh doanh xăng dầu ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, ngừng bán hàng bất hợp lý, hạn chế lượng hàng bán ra; thực hiện 2.338 lượt giám sát các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cơ sở kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế…
Ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, qua theo dõi, nắm tình hình thị trường, hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và an toàn thực phẩm tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn xảy ra các hành vi vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, không niêm yết giá hàng hóa, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Chú trọng kiểm tra mặt hàng trang thiết bị y tế
Thời gian tới, lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện Công điện số 160 ngày 22-2 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước và các công điện của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; kiểm tra, giám sát thị trường trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine; thực hiện Công văn số 1513 ngày 22-2 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát… Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông; kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận về đo lường; việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa và niêm yết giá; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường; chủ động nắm tình hình, giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng QLTT chú trọng kiểm tra, giám sát theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường hàng hóa. Qua đó, kiểm soát tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh có sự biến động về cung cầu để mua vét, mua gom hoặc tăng giá bất hợp lý; sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng thiết yếu; xử lý hiện tượng tăng giá một số vật tư, trang thiết bị y tế, bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2; việc lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành; hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
KHÁNH HÀ