10:03, 29/03/2022

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Cần khẩn trương hoàn thành

Mặc dù đã quá thời hạn quy định gần 2 năm (trước ngày 1-4-2020), nhưng vẫn còn 21 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên của ngư dân TP. Nha Trang chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Mặc dù đã quá thời hạn quy định gần 2 năm (trước ngày 1-4-2020), nhưng vẫn còn 21 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên của ngư dân TP. Nha Trang chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá.


Hoàn thành lắp đặt thiết bị GSHT đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là một trong những yêu cầu gấp rút nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo uy định (khai thác IUU), góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam. Vì vậy, Nghị định số 26/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản quy định việc lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá đối với tàu có chiều dài từ 15m trở lên phải hoàn thành trước ngày 1-4-2020. Theo rà soát của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 708 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, trong đó 703 tàu thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá; 5 tàu không thuộc diện lắp đặt do không có máy chính. Đến nay, đã có 682 tàu cá lắp đặt xong; còn 21 tàu cá của ngư dân trên địa bàn TP. Nha Trang vẫn chưa lắp đặt thiết bị này dù đã quá hạn gần 2 năm. Cụ thể, phường Vĩnh Nguyên còn 7 tàu, phường Vĩnh Trường còn 6 tàu, xã Vĩnh Lương còn 5 tàu, xã Phước Đồng còn 1 tàu, phường Vĩnh Phước còn 1 tàu, phường Vĩnh Thọ còn 1 tàu.


Một số chủ tàu chưa lắp đặt thiết bị GSHT giải thích, nguyên nhân là khó khăn về kinh phí, tàu cá nằm bờ. Hiện nay, nguồn lợi thủy sản suy giảm, lực lượng lao động trên biển ngày càng thiếu hụt, trong khi chi phí cho mỗi chuyến biển ngày càng tăng cao, dẫn đến một số tàu cá đã tạm ngưng hoạt động, không đủ kinh phí mua sắm trang thiết bị GSHT (khoảng 20 triệu đồng/thiết bị). Đó là chưa kể cước phí để trả cho các nhà mạng viễn thông nhằm duy trì hoạt động, kết nối của thiết bị khoảng 750.000 đồng/tháng/thiết bị. “Hiện nay, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ nhiều, vì vậy chúng tôi kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá, hỗ trợ cước phí duy trì kết nối thiết bị với trạm bờ”, ông Đào Duy Hùng - chủ tàu cá ở phường Vĩnh Phước nói.


Liên quan đến hoạt động của thiết bị GSHT của các tàu cá đã lắp đặt, một số chủ tàu cho biết, thiết bị hoạt động chưa ổn định, dẫn tới việc nhiều tàu cá bị mất kết nối khi khai thác trên biển. Bên cạnh đó, còn có tình trạng chủ tàu cá chưa đóng cước phí thuê bao hàng tháng nên đơn vị cung cấp dịch vụ ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình với trạm bờ của Chi cục Thủy sản gây khó khăn trong công tác quản lý tàu cá hoạt động trên biển.


Theo ông Lữ Thanh Phong - Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), vẫn còn tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT là một trong những vấn đề còn tồn tại trong công tác chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” của EC hiện nay. Để thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU, chuẩn bị tốt việc đón đoàn thanh tra của EC dự kiến đến kiểm tra tại Khánh Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác chống khai thác IUU. Trong đó, UBND TP. Nha Trang quyết liệt hơn nữa để triển khai công tác lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá đối với 21 tàu cá chưa lắp đặt của địa phương này. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho ngư dân duy trì kết nối thiết bị GSHT, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có chính sách hỗ trợ cước phí GSHT tàu cá theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.


HẢI LĂNG