10:03, 03/03/2022

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp: Còn một số khó khăn

Năm 2021, nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ giải ngân được 55% so với kế hoạch được duyệt do một số nguyên nhân như: Người dân chưa có đủ vốn đối ứng, cơ sở hạ tầng cần thiết, diện tích chuyển đổi cây trồng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất…

Năm 2021, nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ giải ngân được 55% so với kế hoạch được duyệt do một số nguyên nhân như: Người dân chưa có đủ vốn đối ứng, cơ sở hạ tầng cần thiết, diện tích chuyển đổi cây trồng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất…


Linh động thực hiện chính sách


Do chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 chưa xây dựng xong nên trong năm 2021, HĐND tỉnh đã cho phép sử dụng cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 để thực hiện hỗ trợ cho người dân. Nhờ sự linh động kịp thời này nên trong năm 2021, toàn tỉnh đã có hàng trăm héc-ta đất, vườn rẫy tạp kém hiệu quả được người dân mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như bưởi, sầu riêng, xoài, mít…

 

Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 5 (dự kiến diễn ra vào tháng 3-2022). Theo đó, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng chỉ áp dụng thực hiện trên địa bàn cấp xã thuộc vùng khó khăn của tỉnh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến giai đoạn 2022 - 2025, ngân sách nhà nước sẽ dành khoảng 67 tỷ đồng cùng với hơn 100 tỷ đồng vốn đối ứng của người dân để thực hiện chuyển đổi 2.232ha đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao.

Hợp tác xã nông nghiệp Diên Hòa (huyện Diên Khánh) tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.


Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn, trong năm 2021, huyện có gần 80ha đất nông nghiệp của 230 hộ dân được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi cây trồng. Trong đó, ở những khu vực đất tương đối bằng phẳng, người dân chủ yếu chuyển sang trồng bưởi da xanh, còn sầu riêng được trồng ở đất triền đồi, dễ thoát nước, không bị ngập úng. Qua kiểm tra, các hộ dân đã có ý thức trong việc đầu tư chăm sóc, nhờ đó cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt hơn 97%.


Tại Vạn Ninh, trong năm 2021, huyện có gần 53ha đất trồng cây hàng năm, lâu năm kém hiệu quả được người dân chuyển sang trồng cây ăn quả như mít, xoài, mãng cầu, bưởi, chuối, dừa… tiếp cận được với chính sách hỗ trợ. Huyện Diên Khánh đã có 53,5ha đất được người dân chuyển sang trồng mít, bưởi, xoài… chủ yếu ở một số xã cánh tây của huyện như: Diên Đồng, Diên Tân, Diên Xuân. Còn ở các xã đồng bằng, người dân đăng ký và được Nhà nước hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa giống tại 10 hợp tác xã với tổng diện tích 588ha/vụ.


Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ gần 12 tỷ đồng để hỗ trợ chuyển đổi 205,8ha cây trồng trên toàn tỉnh; hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa giống tại Diên Khánh; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ chăn nuôi tập trung cho một số mô hình tại Ninh Hòa, Cam Lâm và Khánh Vĩnh.


Một số khó khăn, vướng mắc


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn năm 2021 còn một số khó khăn, vướng mắc. Tại Ninh Hòa, người dân của 3 xã đăng ký chuyển đổi cây trồng, nhưng chỉ có 5ha ở xã Ninh Đông đáp ứng được các yêu cầu, còn hơn 28ha ở 2 xã Ninh Phụng và Ninh Hưng do người dân chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất hoặc thực tế diện tích chuyển đổi cây trồng thấp hơn nhiều so với đăng ký nên chưa nhận được hỗ trợ. Tại Khánh Sơn, diện tích chuyển đổi cây trồng thực hiện được 58% so với kế hoạch do năm 2021, quy hoạch sử dụng đất của huyện chưa được duyệt nên một số diện tích không thể thực hiện chuyển đổi để tham gia chương trình.


Ngoài ra, một nguyên nhân phổ biến là người dân chưa có đủ vốn đối ứng, chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng cần thiết. Chẳng hạn như tại nội dung hỗ trợ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, số tiền được duyệt theo kế hoạch là 1,8 tỷ đồng để hỗ trợ người dân xây dựng nhà kính, nhà sơ chế, lấy mẫu phân tích… Tuy nhiên, chỉ có 1 mô hình nhận được hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng nhà kính trồng rau, các nội dung khác không triển khai được do người dân chưa đủ vốn đối ứng hoặc khó khăn về mặt bằng.


Theo ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, năm qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn tiếp tục được người dân đồng tình ủng hộ. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do một số diện tích chuyển đổi cây trồng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hoặc người dân không đủ vốn đối ứng… cho nên nguồn ngân sách cấp tỉnh được duyệt hơn 21,5 tỷ đồng để triển khai chính sách này chỉ giải ngân được gần 12 tỷ đồng, đạt 55% so với kế hoạch.

 

Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 5 (dự kiến diễn ra vào tháng 3-2022). Theo đó, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng chỉ áp dụng thực hiện trên địa bàn cấp xã thuộc vùng khó khăn của tỉnh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến giai đoạn 2022 - 2025, ngân sách nhà nước sẽ dành khoảng 67 tỷ đồng cùng với hơn 100 tỷ đồng vốn đối ứng của người dân để thực hiện chuyển đổi 2.232ha đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao.


HỒNG ĐĂNG