Trong 7 tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay), hơn 8.000ha rừng, đất rừng trong lâm phận Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa ở các địa phương thuộc huyện Khánh Vĩnh được xác định có nguy cơ cháy cao.
Trong 7 tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay), hơn 8.000ha rừng, đất rừng trong lâm phận Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Lâm sản Khánh Hòa) ở các địa phương thuộc huyện Khánh Vĩnh được xác định có nguy cơ cháy cao. Đơn vị chủ rừng đang chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng với phương châm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời.
3 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao
Công ty Lâm sản Khánh Hòa là đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất lâm nghiệp lớn nhất hiện nay, với gần 41.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Trong đó, hơn 21.150ha rừng phòng hộ, hơn 16.800ha rừng sản xuất, hơn 3.000ha đất lâm nghiệp. Từ thực tế triển khai công tác PCCC rừng những năm qua, Công ty Lâm sản Khánh Hòa xác định, mùa khô ở các địa phương trong lâm phận kéo dài từ tháng 2 đến cuối tháng 8 hàng năm, trong đó khô hạn diễn ra gay gắt nhất là từ tháng 5 đến cuối tháng 8, nhất là trong khoảng thời gian từ 9 đến 15 giờ hàng ngày. Khoảng thời gian này, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp, nguồn vật liệu cháy dưới tán rừng khô khốc; đây cũng là thời điểm phát nương, đốt rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số canh tác ở ven rừng nên tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.
Để chủ động ứng phó, công ty đã rà soát, xác định được 3 vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, chủ yếu là các diện tích rừng trồng 1, 2 năm tuổi chưa khép tán, lượng thực bì lớn, rất dễ cháy lan và những diện tích đất rừng với thảm thực vật chủ yếu là cỏ tranh, lau lách ven các tuyến đường giao thông, tiếp giáp nương rẫy của người dân… Cụ thể, vùng Khánh Phú - Sông Cầu có tổng diện tích 1.104ha có nguy cơ cháy cao, gồm 282,78ha rừng tự nhiên; 556,73ha rừng trồng sản xuất và 264,49ha đất tiếp giáp nương rẫy của người dân. Vùng Khánh Thành - Cầu Bà có 3.453ha thường xuyên đứng trước nguy cơ cháy cao, gồm hơn 1.486ha rừng tự nhiên, hơn 1.381ha rừng trồng phòng hộ và 585,57ha tiếp giáp nương rẫy của người dân. Vùng Khánh Thượng - Giang Ly - Sơn Thái có 3.457ha trong trạng thái nguy cơ cháy cao, gồm: hơn 1.070ha rừng tự nhiên, hơn 1.473ha rừng trồng phòng hộ, rừng trồng sản xuất và 913,22ha tiếp giáp nương rẫy của người dân.
Ông Lê Xuân Lý - Phó Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: Trên cơ sở rà soát 3 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trong mùa khô năm nay, công ty tiến hành xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm dễ cháy. Từ đó, đơn vị xác định cụ thể đặc điểm từng khu rừng, điều kiện về địa hình, giao thông, khí hậu, thủy văn, dân cư… nhằm xây dựng phương án PCCC rừng sát với từng khu vực để vừa triển khai tốt công tác phòng cháy, vừa phục vụ tốt cho việc chỉ huy, điều động, phân công lực lượng chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Chủ động phòng cháy
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2014 đến nay, trong lâm phận Công ty Lâm sản Khánh Hòa quản lý đã xảy ra 6 vụ cháy gây thiệt gần 290ha rừng trồng. Những khu vực xảy ra cháy chủ yếu nằm ở những nơi có địa hình cao, xa khu dân cư 3-4 giờ di chuyển nên khi phát hiện, ngăn chặn thì diện tích rừng cháy đã lớn, khó tiếp cận để tổ chức chữa cháy. Vì vậy, mùa khô năm nay, trong công tác PCCC rừng, công ty xác định phương châm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời.
Ngay từ đầu mùa khô, Công ty Lâm sản Khánh Hòa đã tập trung thực hiện các phương án PCCC rừng theo phương châm 4 tại chỗ; dọn thực bì, làm ranh cản lửa, sẵn sàng phương tiện phòng cháy theo phương án PCCC rừng đã xây dựng. Công ty chú trọng việc tổ chức lực lượng đóng chốt, bố trí người trực ở các chòi canh lửa 24/24 giờ; phân công lực lượng tuần tra, ứng trực các khu vực có nguy cơ cháy cao kể cả ngày nghỉ, ngày lễ… nhằm phát hiện kịp thời đám cháy, hạn chế thấp nhất để cháy lan, cháy lớn. Bên cạnh đó, công ty phối hợp với hạt kiểm lâm huyện, các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức về PCCC rừng, nhất là các hộ dân sinh sống gần rừng, khi đốt nương làm rẫy phải cử người canh coi cẩn thận, phải báo cho lực lượng chức năng, làm ranh cản lửa theo đúng quy định, không sử dụng lửa khi vào rừng bắt ong, kiếm củi, vận động người dân viết cam kết PCCC rừng…
Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lưu ý, Công ty Lâm sản Khánh Hòa là đơn vị được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn, có diện tích rừng, đất rừng có nguy cơ cháy rất cao. Vì vậy, công ty cần tập trung triển khai có hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững, xác định đặc điểm vùng rừng có nguy cơ cháy cao, các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy rừng để chủ động phương án PCCC rừng. Công ty cần tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ và PCCC rừng; làm mới, duy tu bảo dưỡng đường băng cản lửa, các công trình PCCC rừng… Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi bản tin dự báo cấp cháy rừng hàng ngày để chủ động biện pháp phòng ngừa; tổ chức trực, canh phòng tại các khu vực có nguy cơ cháy cao…
HẢI LĂNG