10:02, 28/02/2022

Bảo vệ động vật hoang dã ở Hòn Bà

Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà có hệ động vật hoang dã đa dạng, phong phú. Vì vậy, ban quản lý khu bảo tồn này đang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ động vật hoang dã.

Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà có hệ động vật hoang dã đa dạng, phong phú. Vì vậy, ban quản lý khu bảo tồn này đang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ động vật hoang dã.

Đa dạng hệ động vật


Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ kiểm lâm của KBTTN Hòn Bà đi tuần tra rừng, dọc theo tuyến đường từ xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) lên đỉnh Hòn Bà. Trong không gian xanh mướt của núi rừng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến loài Voọc Chà vá chân đen - loài linh trưởng quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang chuyền cành. Ngoài ra, khu bảo tồn còn có nhiều loài chim quý hiếm khác hiện diện như: Cao cát bụng trắng, hồng hoàng, diều hoa Miến Điện, diều núi, chim cổ rắn…

 

Ông Lưu Văn Nông kiểm tra bẫy ảnh, thu thập dữ liệu động vật hoang dã  trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Ông Lưu Văn Nông kiểm tra bẫy ảnh, thu thập dữ liệu động vật hoang dã trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. (Ảnh do đơn vị cung cấp)


Ông Lưu Văn Nông - Phó Trưởng phòng Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng (Ban Quản lý KBTTN Hòn Bà) cho biết: “Nhờ được quản lý, bảo vệ tốt nên hệ sinh học tại KBTTN Hòn Bà ngày càng phát triển, bảo tồn được sự đa dạng, nhất là môi trường sống của các loài động vật hoang dã được bảo vệ tốt. Trong khu bảo tồn không còn tình trạng săn bắt, đặt bẫy thú rừng rầm rộ như trước đây; tình trạng lén lút săn bắt động vật hoang dã giảm đến hơn 95% so với cách đây khoảng 10 năm. Có được kết quả này là nhờ lực lượng của khu bảo tồn đã triển khai tốt các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã; thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, bảo vệ rừng từ gốc. Nhờ giữ gìn được sự đa dạng về hệ động - thực vật, rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã đến đây khảo sát, nghiên cứu”.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, KBTTN Hòn Bà có sự đa dạng sinh học rất cao. Riêng hệ động vật, trong KBTTN Hòn Bà xác định được 420 loài, với 105 họ. Trong đó có: 77 loài thú, với 25 họ; 224 loài chim, với 60 họ; 71 loài bò sát, với 14 họ; 48 loài ếch, nhái, với 6 họ. Trong khu bảo tồn còn có hàng chục loài động vật quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Voọc Chà vá chân đen, vượn đen má vàng, cu li nhỏ, khỉ đuôi vàng, khỉ đuôi lợn…  


Nhiều giải pháp bảo vệ


Theo ông Nguyễn Triều Dương - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòn Bà, bảo vệ sự đa dạng hệ động vật hoang dã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng kiểm lâm KBTTN Hòn Bà. Trên cơ sở xác định các khu vực trong lâm phận có nguy cơ bị tác động như: đường mòn của tuyến đường Hòn Bà, Đá Giăng, Trà Dâng, Đá Trắng (Suối Cát), Suối Tân; khu vực Ma O, Chi Chay (Sơn Trung), Tà Gụ (Sơn Hiệp), Ko Lắk (Sơn Bình); khu vực Kho đạn, suối nước nóng, Yang Bay (Khánh Phú); khu vực Lỗ Gia (Suối Tiên), Mỏ Đá (Diên Tân)…, lực lượng kiểm lâm KBTTN Hòn Bà đã tổ chức 515 đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng trong lâm phận được giao quản lý. Từ đó, đã phát hiện, ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng vào rừng trái phép, săn bắt động vật hoang dã; thu gom, tháo dỡ một số bẫy thú các đối tượng đặt trong rừng. Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Hòn Bà sẽ tiếp tục tuần tra, bảo vệ rừng tự nhiên, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi rừng; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã; phối hợp với chính quyền các địa phương xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm…

 

Lực lượng Kiểm Lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà tháo gỡ bẫy thú các đối tượng đặt trong rừng
Lực lượng Kiểm Lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà tháo gỡ bẫy thú các đối tượng đặt trong rừng


Bên cạnh đó, Ban Quản lý KBTTN Hòn Bà đang triển khai thí điểm việc đặt các bẫy ảnh để thu thập dữ liệu về động vật hoang dã trong khu bảo tồn. Theo đó, từ đầu tháng 1-2022, 4 bẫy ảnh đã được lắp đặt tại những khu vực có đa dạng sinh học cao, thuộc các tiểu khu 213, 217 nhằm thu thập thêm dữ liệu về động vật hoang dã, nâng cao cơ hội bảo tồn đa dạng sinh học trong lâm phần. “Qua thời gian đặt bẫy ảnh, chúng tôi đã ghi nhận sự xuất hiện của các loài như: gà so trung bộ, chồn vàng; đang tiếp tục phân tích hình ảnh một số loài động vật hoang dã khác. Sau khi thử nghiệm trên một diện tích nhỏ trong lâm phần của khu bảo tồn, đơn vị sẽ tăng số lượng bẫy ảnh, khảo sát nhiều tuyến hơn. Qua đó, nghiên cứu, cập nhật danh mục động vật và thiết lập bản đồ phân bố các loài đặc hữu, nguy cấp trong khu bảo tồn để có giải pháp bảo vệ hiệu quả”, ông Lưu Văn Nông cho biết.


HOÀNG TRUNG