Sau loạt bài phóng sự "Khơi tiềm năng nuôi biển" đăng trên Báo Khánh Hòa ngày 28 và 29-11, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo một số đơn vị, doanh nghiệp đã có ý kiến phản hồi nhằm định hướng, góp ý đối việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển ứng dụng công nghệ cao, bền vững và hướng ra xa bờ của tỉnh.
Sau loạt bài phóng sự “Khơi tiềm năng nuôi biển” đăng trên Báo Khánh Hòa ngày 28 và 29-11, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo một số đơn vị, doanh nghiệp đã có ý kiến phản hồi nhằm định hướng, góp ý đối việc phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển ứng dụng công nghệ cao, bền vững và hướng ra xa bờ của tỉnh.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ để người dân chuyển đổi công nghệ
UBND tỉnh chủ trương, trong thời gian tới, sẽ không phát triển nuôi biển theo kiểu truyền thống bằng lồng bè gỗ mà sẽ phát triển theo hướng nuôi quy mô công nghiệp, hiện đại, bền vững. Trong đó, mấu chốt là phải thay đổi công nghệ nuôi biển hiện đại, không chỉ chuyển đổi vật liệu làm lồng bè mà phải có công nghệ hiện đại đi cùng. Ví dụ như thức ăn nuôi thủy sản là thức ăn công nghiệp, chứ không phải thức ăn tươi sống thả xuống biển cho tôm, cá ăn gây ô nhiễm môi trường. Ngay từ bây giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khẩn trương nghiên cứu việc chuyển đổi vật liệu làm lồng bè nuôi; nghiên cứu đối tượng nuôi nào hiệu quả, phù hợp với quy hoạch; cần chuẩn bị tốt về sản xuất giống, sản xuất thức ăn công nghiệp… để hướng dẫn người nuôi chuyển đổi, nhằm khai thác tối đa lợi thế, nâng cao hiệu quả NTTS trên biển, mang lại thu nhập cao, lợi nhuận cho nông dân.
Để khuyến khích người dân chuyển đổi công nghệ, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu trình HĐND tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ (có thể theo hướng hỗ trợ lãi suất vay) cho người dân NTTS bằng lồng bè để người dân mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển đổi công nghệ nuôi.
Ông Lê Bền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín: Cần có quy chuẩn và chính sách bảo hiểm trong nuôi biển
Việc Khánh Hòa định hướng chuyển đổi nuôi biển từ lồng bè bằng gỗ truyền thống sang vật liệu HDPE để tăng sức chống chịu với sóng gió lớn, hướng ra xa bờ, với quy mô nuôi công nghiệp, hiện đại, bền vững là định hướng rất đúng và phù hợp với xu thế phát triển nuôi biển trên thế giới hiện nay. Muốn vậy, tỉnh cần phải tháo gỡ được một trong những rào cản lớn nhất là về nguồn vốn đầu tư để chuyển đổi.
Thực tế, người nuôi rất cần sự hỗ trợ về vốn của ngân hàng và chính sách bảo hiểm để an tâm đầu tư. Nhưng hiện nay, các ngân hàng e ngại cho vay NTTS bằng lồng bè gỗ truyền thống do rủi ro rất lớn, nhất là mùa mưa bão, trong khi chính sách bảo hiểm đối với nuôi biển chưa có. Muốn giải quyết được những vấn đề này, trước tiên, cơ quan nhà nước phải xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi biển để người dân và doanh nghiệp áp dụng. Chỉ khi doanh nghiệp, người dân đầu tư nuôi biển quy mô công nghiệp, hiện đại, thích ứng được với biến đổi khí hậu thì mới có thể có được chính sách bảo hiểm trong lĩnh vực nuôi biển, ngân hàng mới mạnh dạn cho vay đầu tư.
Ông Huỳnh Văn Vũ - Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Nha Trang: Thử nghiệm 2 mẫu khung lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu FRP
Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi vật liệu nuôi truyền thống sang vật liệu mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, Trường Đại học Nha Trang đã được tỉnh đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học nghiên cứu ứng dụng vật liệu FRP (vật liệu composite cốt sợi thủy tinh) để sản xuất khung lồng NTTS trên biển, thời gian thực hiện trong 36 tháng.
Đến nay, chúng tôi đã hoàn thiện thiết kế; nghiên cứu, chế tạo hệ thống khung lồng nuôi bằng vật liệu FRP và đã chế tạo hoàn thiện 2 mẫu khung lồng nuôi để đưa vào nuôi thử nghiệm thủy sản trên biển tại khu vực đầm Nha Phu và vịnh Nha Trang, nhằm đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng vật liệu FRP vào sản xuất lồng nuôi thủy sản trên biển. Cả 2 mẫu đều đáp ứng được các tiêu chí về độ bền, an toàn, chịu được sóng gió lớn trên biển, đáp ứng được việc ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại lẫn quy trình nuôi truyền thống mà người nuôi áp dụng hiện nay. Nếu so sánh với chi phí đầu tư ban đầu của lồng bè gỗ khoảng 12 triệu đồng/lồng nuôi kích thước 4x4m, khi người nuôi chuyển sang vật liệu composite cốt sợi thủy tinh, chi phí đầu tư ban đầu cho 1 lồng tăng gấp đôi nhưng thời gian sử dụng gấp 3-4 lần, vì vậy, hiệu quả đầu tư sẽ rất cao.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát: Đề xuất đầu tư mô hình thí điểm nuôi biển quy mô công nghiệp bằng vật liệu HDPE
Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát được biết đến là nhà sản xuất và cung cấp hàng đầu cả nước về các sản phẩm từ nhựa HDPE. Công ty đang đầu tư mạnh cho các sản phẩm và dịch vụ nuôi biển như: Phao nổi HDPE, giàn nổi, lồng bè HDPE… Công ty cũng đang triển khai nhiều mô hình nuôi biển công nghệ cao kết hợp du lịch tại các tỉnh: Quảng Ninh, Ninh Thuận… Qua nhiều lần tìm hiểu, công ty đang đề xuất với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về việc đầu tư mô hình thí điểm nuôi biển quy mô công nghiệp theo hướng bền vững, với quy mô 50 lồng tròn, 20 lồng vuông; nuôi theo phương thức đa dưỡng tích hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại như: máy cho ăn tự động, camera cảm biến môi trường nuôi, theo dõi đối tượng nuôi… Việc triển khai mô hình thí điểm này sẽ giúp địa phương chứng minh tính khả thi của nuôi biển hiện đại, không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội mà còn đảm bảo môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây còn là nơi để người dân địa phương tham quan, học tập về nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại; làm tiền đề cho việc nhân rộng mô hình ra các vùng nuôi trong tỉnh… Chúng tôi mong muốn tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư thí điểm mô hình này tại khu vực vịnh Vân Phong.
Song song với việc đề xuất thí điểm đầu tư mô hình này, Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát sẽ cùng với các đơn vị trong chuỗi liên kết của chúng tôi, trong đó có các ngân hàng nghiên cứu có chính sách riêng đối với người NTTS bằng lồng bè tại Khánh Hòa, nhất là chính sách về vốn đầu tư, bán trả chậm các sản phẩm nhựa HDPE phục vụ cho việc chuyển đổi của người dân từ lồng nuôi truyền thống sang vật liệu mới HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu và theo định hướng của tỉnh.
HẢI LĂNG (lược ghi)