Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Để giúp người nộp thuế tiếp cận với chính sách, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh triển khai các nội dung của nghị định đến NNT.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Để giúp người nộp thuế (NNT) tiếp cận với chính sách, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh triển khai các nội dung của nghị định đến NNT.
Còn nhiều khó khăn
Năm nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết NNT. Thời gian qua, tuy Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng hầu hết NNT vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc nộp ngân sách nhà nước vì kinh doanh giảm sút mạnh, nhất là các ngành nghề thực phẩm, du lịch, vận tải…
Theo bà Đoàn Như Quỳnh - Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Vinpearl Chi nhánh Nha Trang, thực tế, từ 2 năm nay, tình hình hoạt động kinh doanh của các DN đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Riêng Vinpearl Chi nhánh Nha Trang, từ tháng 4 đến tháng 9-2021 đóng cửa hầu hết các cơ sở kinh doanh, chỉ một số ít đón khách cách ly nhưng số lượng hạn chế. Trong khi đó, công ty vẫn thực hiện việc chi trả lương cho quản lý, nhân viên nên gặp nhiều khó khăn. Từ đầu tháng 10, các cơ sở kinh doanh của công ty bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại nhưng vẫn cầm chừng. Do tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để nên lượng khách đi du lịch không nhiều. Vì vậy, một số cơ sở chỉ mở cửa đón khách vào những ngày cuối tuần để giảm chi phí vận hành.
Hiện nay, tuy đã chuyển sang trạng thái bình thường mới nhưng một số DN dịch vụ du lịch, vận tải vẫn chưa thể khôi phục hoạt động bình thường, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu ngân sách của ngành Thuế. Tính đến ngày 19-11, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) toàn ngành lũy kế thực hiện hơn 1.317 tỷ đồng, đạt 113,3% dự toán pháp lệnh; số thu từ thuế giá trị gia tăng (GTGT) chỉ đạt hơn 2.513 tỷ đồng, đạt 69,9% dự toán pháp lệnh.
Tạo “đòn bẩy” từ chính sách thuế
Nhằm tạo thuận lợi cho NNT, góp phần khuyến khích sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92 triển khai thực hiện các nhóm giải pháp miễn, giảm thuế đối với NNT là những hộ, cá nhân kinh doanh và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, Nghị định số 92 quy định giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp NNT theo quy định của Luật Thuế TNDN, có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp NNT mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và 2021. Căn cứ doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 và dự kiến doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021, NNT tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế TNDN hàng quý.
Nghị định số 92 cũng quy định rõ, hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 được miễn một số loại thuế như: Thuế thu nhập cá nhân, GTGT, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên, bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021. Đối với trường hợp cơ quan thuế không phải ra thông báo nộp tiền thì hộ kinh doanh tự xác định số thuế còn phải nộp sau khi miễn thuế; trường hợp phải ra thông báo nộp tiền thì cơ quan thuế ban hành quyết định miễn thuế kèm theo danh sách toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân được miễn thuế, thông báo miễn thuế cho hộ kinh doanh.
Ngoài ra, đối với DN, tổ chức áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì việc xác định giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT được thực hiện trực tiếp trên hóa đơn GTGT khi DN, tổ chức cung cấp dịch vụ. Đối với DN, tổ chức áp dụng phương pháp trực tiếp tỷ lệ % trên doanh thu sử dụng hóa đơn bán hàng, trên hóa đơn bán hàng thì DN, tổ chức thực hiện giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” và ghi chú trên hóa đơn bán hàng.
Nghị định này quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp của NNT có phát sinh lỗ trong năm 2020, cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất căn cứ dữ liệu quản lý thuế, xác định số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 được miễn của NNT để ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp. Quyết định miễn tiền chậm nộp được gửi cho NNT bằng phương thức điện tử và đăng công khai trên trang thông tin điện tử ngành Thuế. Bà Đoàn Như Quỳnh cho biết: “Việc Chính phủ ban hành Nghị định với chính sách hỗ trợ từ ngày 1-11 đến 31-12, giảm 30% thuế GTGT cho một số ngành nghề, lĩnh vực góp phần giảm áp lực cho nhiều DN trong 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Mong rằng Chính phủ và tỉnh có thêm những chính sách hỗ trợ kịp thời hơn nữa trong thời gian tới để DN tiếp tục vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất”.
Theo ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ NNT, Cục Thuế tỉnh, nhằm giúp NNT tiếp cận với chính sách nói trên, Cục Thuế tỉnh đã triển khai nội dung Nghị định số 92 đến các phòng, chi cục thuế để thực hiện. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh đã phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, đăng tải trên hệ thống trang điện tử của đơn vị và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cục Thuế tỉnh cùng các đơn vị trực thuộc đã và đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn, giảm của các tổ chức, DN, NNT.
CẨM VÂN