10:09, 29/09/2021

Quy hoạch cảng biển tỉnh Khánh Hòa: Thêm cơ hội thu hút đầu tư

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cảng biển Khánh Hòa nằm ở nhóm 3, có 5 khu bến. Quy hoạch này sẽ mở ra nhiều cơ hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển của địa phương.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cảng biển Khánh Hòa nằm ở nhóm 3, có 5 khu bến. Quy hoạch này sẽ mở ra nhiều cơ hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển của địa phương.


5 khu bến được phê duyệt


Theo quy hoạch được duyệt, Khánh Hòa nằm ở nhóm cảng biển số 3 (bao gồm cả khu vực huyện đảo Trường Sa). Về phân loại cảng biển, địa phương thuộc cảng biển loại I, trong đó cảng biển Khánh Hòa được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

 

Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong

Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong


Về phân loại bến cảng đối với nhóm số 3 gồm 8 cảng biển, đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 138 đến 181 triệu tấn (hàng container đạt từ 1,8 đến 2,5 triệu TEU); hành khách từ 1,9 đến 2 triệu lượt. Tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 4,5 đến 5,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân từ 1,7 đến 1,8%/năm. Theo quy hoạch đến năm 2050, cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong sẽ được hình thành để phục vụ vận chuyển hàng hóa. Dự báo hàng hóa thông qua các cảng biển trên địa bàn tỉnh năm 2030 khoảng 39,7 đến 46,2 triệu tấn; riêng container dự kiến khoảng 0,11 đến 0,13 triệu TEU.


Có 5 khu bến thuộc cảng biển Khánh Hòa được quy hoạch, gồm: Khu bến Bắc Vân Phong có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) liên vùng; tiềm năng phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế; có bến container, tổng hợp, bến cảng khách quốc tế. Khu bến Nam Vân Phong phục vụ trực tiếp cho Khu Kinh tế Vân Phong và tiếp chuyển hàng lỏng, khí, hàng rời; có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng, khí... Khu bến Nha Trang được quy hoạch là bến khách quốc tế và các bến du thuyền, đầu mối du lịch biển quốc tế; tiếp nhận cỡ tàu khách đến 225.000 GT và tàu du lịch biển, du thuyền. Khu bến Cam Ranh được quy hoạch trong vùng đất và vùng nước vịnh Cam Ranh, Bình Ba và khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh có chức năng phục vụ phát triển KT-XH tỉnh, khu vực Tây Nguyên; có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, khí, bến khách và các bến phục vụ quốc phòng - an ninh... Bến cảng huyện đảo Trường Sa có chức năng kết nối giữa đất liền và các đảo thuộc huyện đảo, vừa phục vụ phát triển KT-XH kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; quy mô bến cảng, âu tàu, hệ thống trang thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải và các hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối đồng bộ.

 

Ngoài ra, quy hoạch này cũng có các khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão tại Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, một số đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có cỡ tàu phù hợp với điều kiện thực tế.


Ưu tiên phát triển cảng biển loại I


Ông Nguyễn Thanh Hiến - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải đánh giá, hệ thống cảng biển tỉnh được quy hoạch lần này có một số điểm mới so với trước. Các khu bến được quy hoạch chi tiết hơn, bổ sung thêm những chức năng, nhiệm vụ mới; công suất tàu tiếp nhận cũng được nâng lên. Cụ thể, tại khu vực vịnh Vân Phong, các khu bến được quy định đón cỡ tàu tổng hợp lớn hơn, đón cả tàu khách và tàu container, phục vụ phát triển liên vùng chứ không còn bó hẹp ở bán đảo Hòn Gốm như trước; khu bến Nha Trang đã được chuyển đổi thành bến đón khách quốc tế, du thuyền; khu bến Cam Ranh nâng công suất tiếp nhận tàu lên đến 70.000 tấn thay vì 50.000 tấn như trước.

 

Cảng Cam Ranh sẽ được nâng công suất, tiếp nhận tàu tổng hợp lên đến 70.000 tấn.

Cảng Cam Ranh sẽ được nâng công suất, tiếp nhận tàu tổng hợp lên đến 70.000 tấn.

 

Quyết định cũng nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đối với các dự án ưu tiên đầu tư có các bến chính thuộc nhóm cảng biển loại I. Đặc biệt, khu vực Vân Phong sẽ được ưu tiên nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý.


Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho rằng, với quy hoạch mới này sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng biển, gắn với không gian phát triển kinh tế, đô thị; thu hút đầu tư vào các vùng kinh tế; huy động được nguồn lực để đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án đường bộ kết nối làm động lực phát triển cảng biển như: tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1 đến bến cảng Bắc Vân Phong giai đoạn mở đầu dài 18km đã được đầu tư khoảng 13km, 5km còn lại đang được xem xét đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Phía Nam Vân Phong, Công ty Cổ phần Thanh Yến Vân Phong đang triển khai đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thủy, sẽ kết nối các tuyến đường nội bộ của Khu Công nghiệp Ninh Thủy với tuyến Quốc lộ 26...


THÀNH NAM