Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, công nghiệp luôn là lĩnh vực có tăng trưởng. Tuy nhiên, đến tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp bất ngờ giảm mạnh. Điều này phản ánh mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đối với hoạt động của các doanh nghiệp.
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, công nghiệp (CN) luôn là lĩnh vực có tăng trưởng. Tuy nhiên, đến tháng 7, chỉ số sản xuất CN bất ngờ giảm mạnh. Điều này phản ánh mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đối với hoạt động của các doanh nghiệp (DN).
Lần đầu tiên giảm chỉ số trong 5 năm qua
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tuân thủ, thực hiện biện pháp về phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho người lao động và ổn định sản xuất kinh doanh; trường hợp chưa đảm bảo an toàn thì DN phải tạm dừng để khắc phục. Các đơn vị đã triển khai tổ chức sản xuất theo tinh thần “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” để không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy nhưng, sự tác động mạnh của dịch bệnh khiến chỉ số sản xuất CN tháng 7 và 7 tháng năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 năm qua, đây là lần đầu tiên chỉ số sản xuất CN của tỉnh giảm.
Cụ thể, chỉ số sản xuất CN tháng 7 ước giảm 8,57% so với tháng 6 và giảm 7,45% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2021 ước giảm 1,83%. Trong đó, CN khai khoáng giảm 25,87%; CN chế biến, chế tạo giảm 1,67%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 7,27%; chỉ duy nhất lĩnh vực sản xuất và phân phối điện tăng 1,24%.
Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nguyên nhân chính khiến chỉ số sản xuất CN lần đầu tiên bị giảm sau nhiều năm là do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Sản xuất bị đình trệ, các đơn hàng không tiêu thụ được khiến các DN gặp khó khăn. Lâu nay, tăng trưởng CN của Khánh Hòa phụ thuộc chính vào sản xuất, chế biến chế tạo; nhưng thời gian qua, các DN chuyên sản xuất nước yến, thuốc lá, bia đều bị giảm sản lượng, không tiêu thụ được. Đặc biệt, các đơn hàng đóng tàu của Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam cũng bị giảm nên ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số sản xuất CN của tỉnh.
Cần thêm nhiều giải pháp
Trong tháng 7, để duy trì sản xuất, các DN đã đồng loạt kích hoạt phương án chống dịch, chuyển trạng thái chống dịch lên mức cao nhất. Bên cạnh áp dụng các biện pháp giãn cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đơn vị sản xuất còn linh động chia nhỏ các bộ phận ra thành 3 ca nhằm đề phòng xuất hiện ca nhiễm thì vẫn có thể tiếp tục sản xuất. Các phương án test nhanh sàng lọc và xét nghiệm RT-PCR giúp chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 được nhiều nơi áp dụng. Đặc biệt, tại các DN có số lượng người lao động lớn như: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam…, các phương án được triển khai một cách nghiêm ngặt.
Chế biến, chế tạo là một trong những lĩnh vực giảm mạnh, tác động lớn đến phát triển kinh tế của tỉnh. Một số lĩnh vực như: sản xuất phương tiện vận tải giảm tới 18,47%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 13,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 9,82%; dệt giảm 5,66%; sản xuất đồ uống giảm 2,23%; sản xuất thuốc lá giảm 1,75%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 1,39%. |
Hiện nay, để duy trì sản xuất, nhiều DN áp dụng phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Chỉ tính riêng Khu CN Suối Dầu có 40/45 DN thực hiện phương án này, với hơn 6.000 công nhân ở lại làm việc “3 tại chỗ”. Mặc dù vậy, đa phần các DN đang khá lo lắng cho tình hình sản xuất trong thời gian tới. Bởi theo các DN, việc áp dụng phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần tìm các giải pháp khác hữu hiệu hơn, ít tốn kém và tạo tâm lý thoải mái cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Dư - Giám đốc Công ty TNHH Cá Ngừ Việt Nam cho biết: “Từ ngày 9-7, công ty bố trí cho hơn 200 công nhân ăn, nghỉ lại tại nhà máy, không tiếp xúc với bên ngoài. Đồng thời, thuê khách sạn tại TP. Nha Trang để bố trí nơi nghỉ cho hơn 300 công nhân, nhân viên khác. Tuy nhiên, phương án này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên rất cao, bản thân người lao động cũng gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt”. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam, để sản xuất CN trở về trạng thái bình thường, ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, việc tiêm vắc xin vẫn được xem là căn cơ nhất. Do vậy, rất mong tỉnh tiếp tục quan tâm tiêm vắc xin cho người lao động. Qua đó, đảm bảo an toàn, ổn định tâm lý cho công nhân, giúp các DN duy trì chuỗi sản xuất.
Bà Lê Thu Hải cho biết, nhằm nâng cao chỉ số sản xuất CN, thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của các DN, Sở Công Thương sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư lấp đầy Khu CN Ninh Thủy; thực hiện lựa chọn nhà đầu tư cơ sở hạ tầng của Cụm CN Tân Lập; đôn đốc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các cụm CN: Trảng É 2 và Diên Thọ. Bên cạnh đó, sở cũng triển khai thực hiện chương trình khuyến công quốc gia và địa phương cho các DN nhỏ và vừa; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền đề ra những giải pháp hỗ trợ DN kịp thời nhằm ổn định phát triển sản xuất.
Đình Lâm