Dự án "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ nâng cao giá trị cây xoài Khánh Hòa" triển khai tại huyện Cam Lâm vừa được tiến hành nghiệm thu mô hình. Dự án mở ra triển vọng nâng cao giá trị quả xoài, tạo thuận lợi cho các kênh tiêu thụ xoài ra bên ngoài.
Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ nâng cao giá trị cây xoài Khánh Hòa” triển khai tại huyện Cam Lâm vừa được tiến hành nghiệm thu mô hình. Dự án mở ra triển vọng nâng cao giá trị quả xoài, tạo thuận lợi cho các kênh tiêu thụ xoài ra bên ngoài.
Nỗ lực của nhà khoa học
Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ, phối hợp với tỉnh Khánh Hòa thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2021 với tổng kinh phí 10 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng chọn huyện Cam Lâm làm địa bàn triển khai dự án vì đây là vùng trồng xoài lớn nhất tỉnh. Dự án gồm 2 hợp phần, trong đó hợp phần 1 xây dựng mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân canh tác xoài Úc và xoài cát Hòa Lộc theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; hợp phần 2 xây dựng mô hình sơ chế, bảo quản quả xoài theo công nghệ bao gói khí điều biến MAP (phương pháp bao gói sản phẩm trong vật liệu chắn khí).
Theo Thạc sĩ Hoàng Vinh - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ - thành viên dự án, hợp phần 1 được triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020 với tổng diện tích 70,6ha (xoài Úc 53,5ha, xoài cát Hòa Lộc 17,1ha) tại 3 địa phương của huyện Cam Lâm (thị trấn Cam Đức, xã Cam Hải Tây và Cam Thành Bắc). Theo đó, người trồng xoài được hướng dẫn theo quy trình VietGAP, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, phân bón, quản lý dịch hại, tưới tiết kiệm nước… Qua 3 năm triển khai, các hộ tham gia dự án đã biết cách canh tác xoài sạch theo hướng VietGAP; năng suất xoài đạt khá, bình quân 10 tấn/ha/năm. Đồng thời, phối hợp với các vựa, hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm; lãi thuần đối với xoài Úc đạt hơn 173 triệu đồng/ha/năm, xoài cát Hòa Lộc hơn 214 triệu đồng/ha/năm. Tổng lợi nhuận của hợp phần 1 đạt xấp xỉ 13 tỷ đồng. Cơ quan chức năng còn tổ chức 4 lớp tập huấn với 200 lượt người tham dự, 2 chuyến tham quan các mô hình…
Nỗ lực của doanh nghiệp
Dự án đã giúp Công ty TNHH Vạn Hương xây dựng thương hiệu xoài; tổ chức đăng ký, xác nhận mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, tạo điều kiện cho quả xoài tiêu thụ tại Trung Quốc bằng đường chính ngạch.
Ông Nguyễn Long An - Giám đốc Công ty TNHH Vạn Hương - Chủ nhiệm dự án cho hay, sau thời gian đầu gặp khó khăn tìm kiếm mặt bằng, lập nhà xưởng triển khai hợp phần 2; đầu năm 2021, đơn vị triển khai thu mua và sơ chế xoài cho nông dân. Được sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), công ty đã triển khai quy trình bảo quản xoài theo công nghệ bao gói khí điều biến MAP, có thể kéo dài thời gian bảo quản hơn 30 ngày nhưng vẫn bảo đảm chất lượng quả xoài tươi, vàng tự nhiên, mùi đặc trưng, vị ngọt… Dây chuyền chế biến có công suất 8 tấn/ngày. Qua 2 tháng triển khai (tháng 4 và 5) thu mua và sơ chế theo công nghệ mới, công ty đã tiêu thụ hơn 200 tấn xoài cho nông dân (hơn 145 tấn xoài Úc, gần 55 tấn xoài cát Hòa Lộc), vượt chỉ tiêu đề ra. Cũng theo lãnh đạo công ty, mô hình cho kết quả tốt, có thể thu hồi vốn qua 4 năm, tỷ lệ lãi ròng so với vốn đầu tư là 14,82%, lãi ròng so với tổng doanh thu là 1,22 %.
Kỹ sư Trần Giỏi - thành viên dự án cho biết, dự án đã đáp ứng việc chuyển giao kỹ thuật tại nông hộ và cơ sở sơ chế. Mô hình góp phần khuyến khích nông dân sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ, không chỉ đáp ứng các chuẩn cơ bản mà còn hướng tới các chuẩn cao hơn như GlobalGAP. Đây là cơ sở để nông sản tiếp cận với các thị trường khó tính hơn, vươn xa hơn trong thời gian tới.
V.L